Tính đến tháng 4/2022, Bộ Công Thương đã nhận ý kiến đóng góp của 21/29 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ý kiến đóng góp của 54/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sau gần 3 tháng đăng tải công khai Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Bộ Công Thương đang khẩn trương thảo luận và hoàn thiện Dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung các tài liệu liên quan đến Hồ sơ dự án Luật để thực hiện thủ tục thẩm định tại Bộ Tư pháp dự kiến trong tháng 4 này.
Tại Phiên họp lần thứ hai Ban soạn thảo của Tổ biên tập Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) - gọi tắt là Dự thảo Luật, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao những đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật trong thời gian qua.
Những ý kiến của Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - đơn vị giúp việc cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, giải trình và tiếp thu nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, thời gian qua, Dự thảo Luật đã được Bộ Công Thương triển khai lấy ý kiến rộng rãi, đa dạng và phong phú đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bộ Công Thương không chỉ đăng tải công khai Dự thảo Luật và tài liệu liên quan lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công Thương, tổ chức hội thảo lấy ý kiến, mà còn phối hợp với các sàn thương mại điện tử và nền tảng kinh doanh trực tuyến lấy ý kiến rộng rãi với người tiêu dùng.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến tháng 4/2022, Bộ Công Thương đã nhận ý kiến đóng góp của 21/29 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ý kiến đóng góp của 54/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đáng chú ý có hàng trăm ý kiến đóng góp của các công ty luật, doanh nghiệp, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức trong nước và quốc tế cùng nhiều cá nhân có liên quan.
100% các ý kiến đóng góp nhất trí cao với sự cần thiết của dự án Luật; trong đó, đa số các ý kiến thống nhất với các nội dung như cần tiếp tục tăng cường hiệu quả của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước cũng như phát huy hơn nữa vai trò, sự tham gia của tổ chức xã hội với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong một số lĩnh vực giao dịch đặc thù hoặc với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng yếu thế.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhất trí với việc cần đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi và hoàn thiện cơ chế riêng để thúc đẩy hiệu quả giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, bao gồm cả việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch xuyên biên giới.
Ngoài các ý kiến đóng góp để hoàn thiện về thể thức, kỹ thuật soạn thảo, có rất nhiều ý kiến mang tính chất cụ thể, vừa liên quan tới từng điều, khoản, vừa thể hiện được định hướng, gợi mở thêm nhiều vấn đề, góp phần hoàn thiện phạm vi và nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, các ý kiến đóng góp trong thời gian qua đã được cơ quan soạn thảo tổng hợp đầy đủ, đồng thời, tổ chức nhiều buổi làm việc để nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tập trung thảo luận, cho ý kiến và hoàn thiện Dự thảo Luật; trong đó, một số vấn đề được thảo luận sôi nổi gồm khái niệm người tiêu dùng; bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương; trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có ứng dụng nền tảng số; các hành vi bị cấm...
Để Dự thảo Luật đảm bảo chất lượng và tiến độ trình các cơ quan có thẩm quyền, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục tiếp thu ý kiến của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tại phiên họp nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật và bổ sung các tài liệu liên quan Hồ sơ dự án Luật để chuẩn bị trình Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.
Theo TTXVN