Thứ Hai, 9/12/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 4/4/2022 15:53'(GMT+7)

TP.HCM: Doanh nghiệp công nghiệp kỳ vọng tận dụng đà tăng trưởng

Một doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Một doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù thị trường giá cả đang bị tác động bởi giá vàng, giá dầu của thế giới; số ca nhiễm COVID-19 cũng có xu hướng tăng khi các hoạt động gần như mở cửa hoàn toàn... nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không bị ảnh hưởng nhiều.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố trong tháng 3/2022 đã tăng 25,9% so với tháng 2/2022 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý 1/2022, IIP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,2%...

Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, ở nhóm ngành công nghiệp cấp 2, có 20/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2022 tăng so với cùng kỳ.

Một số ngành có chỉ số tăng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo khác; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; sản xuất thiết bị điện...

Có 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2022 tăng 5,4% so với cùng kỳ, bao gồm: ngành hóa dược tăng 18,9%; ngành cơ khí tăng 4,0%; ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 3,2%; chỉ có ngành sản xuất hàng điện tử giảm 12,9%.

Với chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2022 của nhiều nhóm ngành nghề, lĩnh vực tăng, cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng tận dụng đà tăng trưởng này để tiếp tục ổn định, phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương mở cửa thị trường nội địa và quốc tế, cũng như thúc đẩy kết nối lại thương mại, đầu tư, du lịch... Là những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp "phá băng" thị trường trong thời gian tới.

Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc sinh Group, với thị trường nội địa, khi đời sống kinh tế-xã hội trở lại trạng thái "bình thường mới" thì doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít thách thức.

Tuy cộng đồng doanh nghiệp Việt; trong đó, có doanh nghiệp sản xuất đã xây dựng phương thức bán hàng trực tuyến (online) trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng nổ, nhưng vẫn chịu sức cạnh tranh gay gắt từ những sàn thương mại điện tử trong bối cảnh sức mua trên thị trường sụt giảm.

Còn đối với thị trường xuất khẩu, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp Việt. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải linh động đối với thị trường toàn cầu bằng cách đa dạng thị trường, mới có thể tận dụng được đà tăng trưởng sản xuất.

Bởi, điều kiện sản xuất trong nước đã được tạo thuận lợi hơn, chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất đang từng bước kết nối lại... nhưng nếu không bán được hàng thì doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong quản trị và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của năm 2022.

Đồng quan điểm, bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's) cho rằng trong giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp vẫn phải lắng nghe nhu cầu mới trong cả chuỗi sản xuất kinhdoanh lẫn người tiêu dùng. Từ đó, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh và ứng dụng công nghệ phù hợp với mô hình vận hành, nguồn nhân lực... bên cạnh những điều kiện thuận lợi từ cơ chế chính sách, cơ hội từ thị trường...

Điển hình, chuyển đổi số phục con người, nhưng nếu con người chưa có tư duy số thì hiệu quả ứng dụng công nghệ khó đạt được hiệu suất cao và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, trong vận hành doanh nghiệp thì tính hệ thống cực kỳ quan trọng và đó là tài sản lớn của doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là nền tảng cơ sở từng bước thay đổi tư duy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mang lại lợi ích thiết thực đối với quản trị doanh nghiệp.

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư... trên địa bàn thành phố, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay ngành công thương đang có kế hoạch tổ chức hàng loạt chương trình gặp gỡ, tham vấn, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cụ thể, mới đây Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thông qua đó, đại diện nhiều sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu thủ tục, quy trình đầu tư và cơ chế chính sách ưu đãi đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, Sở Công Thương và sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các nhóm Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài theo từng chủ đề riêng trong thời gian tới.

Ngành công thương sẽ tập trung đẩy mạnh những vấn đề xúc tiến thương mại, đầu tư theo từng nhóm thị trường, nhóm hàng hóa (hữu hình lẫn vô hình) để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy hợp tác phát triển ở một số lĩnh vực như kinh tế số, thương mại điện tử, logistics, công nghiệp...

Thống kê trên địa bàn thành phố từ ngày 1/1-13/3, Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp phép 8.477 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 140.134 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số giấy phép tăng 34,5% và vốn giảm 5,7%.

Riêng khu vực công nghiệp, xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép 1.766 doanh nghiệp, tăng 38,9% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 38.155 tỷ đồng, giảm 42,6%; trong đó, nhóm ngành công nghiệp có 993 đơn vị với số vốn đăng ký đạt 30.700 tỷ đồng, giảm 44,1% về vốn so với cùng kỳ./.

Mỹ Phương
(TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất