(TG)- Chỉ với hơn 130 trang sách nhưng cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam” đã đưa ra những chứng cứ xác đáng khẳng định: Hoàng Sa, Trường Sa là một phần không thể thiếu của lãnh thổ Việt Nam.
Với hơn 130 trang, cuốn sách Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam bao gồm những bài viết của các nhà khoa học, sử học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà báo như Nguyễn Đắc Xuân, Đinh Công Vĩ, Phan Duy Kha, Vũ Duy Yên, Bùi Phúc Hải, Văn Cường, Hiệp Đức, Từ Khôi, Trần Văn Hạc... đã công bố các cơ sở pháp lý, cơ sở địa chất và lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đúng như GS. Vũ Khiêu đã viết cho lời tựa tập sách “Trong ngàn năm lịch sử, biết bao thế hệ cha anh đã chiến đấu quên mình, hy sinh nơi biển cả để giữ vững chủ quyền biển, đảo”...
Ngược dòng lịch sử, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) trong cuốn Phủ Biên tạp lục viết về phủ Quảng Nghĩa, xã An Vinh thuộc huyện Bình Sơn đã nói rất kĩ về Bãi cát vàng mà ngày nay chúng ta biết rằng đấy là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa – vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc ta. Lê Quý Đôn mô tả: “...Ngoài biển về phía Đông Bắc, có nhiều cù lao, có đến hơn 130 hòn, cách nhau qua biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có hồ nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn. Trên đảo có vô số tổ yến, các giống chim có hàng ngàn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh, trên bãi cát vật lạ rất nhiều. Ốc hoa thì có ốc tai voi, to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc dục không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được... Lại có ốc xà cừ, ốc hương...”.
Đại Nam thực lục tiền biên, soạn năm 1754 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát còn nói rõ hơn về Hoàng Sa và Trường Sa như sau: “Ở đấy có hơn 300 bãi cát, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục là Vạn lí Trường Sa, trên đảo có giếng nước ngọt.” Sử sách của chúa Nguyễn cũng nói rõ: “Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh xung vào, hằng năm đến tháng 3 đi thuyền ra biển độ 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, tìm được hóa vật đến tháng 8 thì đem về nộp. Lại còn đội Bắc Hải... đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”... Ngày nay, trong các làng trại ở ngoài đảo Lý Sơn những người cao niên vẫn còn kể nhiều câu chuyện của cha ông họ khi xưa theo lệnh của các vua triều Nguyễn xung vào đội Hoàng Sa ra biển tuần du và kiếm báu vật... Ngày 20/2 âm lịch hàng năm, làng tổ chức lễ Kỳ Yên, đồng thời Khao lề thế lính Hoàng Sa, Trường Sa. Trong buổi lễ có mời pháp sư về cúng tế, triệu vớt các vong linh bị trầm luân nơi biển cả trở về với tổ tiên. Trong buổi tế có hình nộm, thuyền bè, phẩm vật hiến cúng cho người đã mất như gạo, muối. Trên đảo còn có miếu thờ cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết, cai đội Phạm Quang Ảnh, nhà thờ cai đội Phạm Hữu Nhật...
Trong cuốn sách Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt Việt Nam, nhà báo Hiệp Đức viết về sự kiện TS. Mai Hồng, nguyên cán bộ của viện Hán Nôm công bố tấm bản đồ cổ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ được trưng bày tại viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tấm bản đồ trở thành tâm điểm chú ý của người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Theo TS Mai Hồng, "với tôi phải chăng hồn thiêng sông núi cho mình may mắn được gìn giữ nó. Điều này giống như một cơ duyên vậy”. Tấm bản đồ này do Nxb. Thượng Hải (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 đã xác định rõ: Từ năm 1904, trong nhận thức của người Trung Quốc, cực Nam đất nước của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Điều ấy cũng có nghĩa – Đây là bằng chứng tư liệu do chính Trung Quốc xuất bản khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Trong Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt Việt Nam, các tác giả đã chỉ ra nhiều chứng cứ của chính người Trung Quốc như Thích Đại Sán (1696) trong cuốn Hải ngoại kỷ sự đã nói tới Vạn lí Trường Sa rằng, Chúa Nguyễn đã cho thuyền ra lượm nhặt các sản vật từ các tàu đắm. Hay trong cuốn Nhật kí của tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels (tức Hoàng Sa) là quần đảo thuộc nước An Nam... cùng rất nhiều những tư liệu, những chứng nhân sống động của các thế hệ người Việt Nam qua các thời kỳ bám biển, giữ đảo bằng sức lao động sáng tạo, bằng mồ hôi và cả máu xương để gìn giữ vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt Việt Nam là những cứ liệu lịch sử, góp phần mang đến cho bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam thêm những hiểu biết về nguồn cội, biển, đảo của đất nước và nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tuấn Anh