Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 15/7/2017 10:48'(GMT+7)

Hoàng Tùng - Cây đại thụ trong làng tư tưởng - báo chí

Đồng chí Hoàng Tùng, trong cuộc đời 91 tuổi của mình (1-1920 – 6-2010), đã có tới 75 năm hoạt động cách mạng. Đồng chí từng bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La (1940) rồi cùng các đồng chí khác phá nhà tù, tham gia chuẩn bị tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở địa phương. Sau Cách mạng Tháng Tám, có những lúc ở đầu sóng ngọn gió, đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng. Bí thư Thành ủy Hà Nội tháng 10-1945, khi mới 25 tuổi; sau đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương và Bí thư Trung ương Đảng. Hoàng Tùng được làm việc gần gũi nhiều năm với Bác Hồ và các Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn.

Nói đến Hoàng Tùng, không thể  không nói đến sự nghiệp báo chí của Anh. Phần lớn cuộc đời hoạt động của Anh gắn bó mật thiết với mặt trận tư tưởng, văn hóa và báo chí của Đảng, trong đó Anh vừa là chiến sĩ vừa là người chỉ huy. Anh viết báo Suối Reo (ở nhà tù Sơn La), làm báo Sự thật (1947), và từ khi báo Nhân Dân ra đời (1951) thì làm Tổng Biên tập suốt 30 năm.Thời kỳ làm báo Nhân Dân là thời kỳ sự nghiệp báo chí của Anh thăng hoa. Anh để lại dấu ấn sâu sắc của một người lãnh đạo đồng thời là người cầm bút trực tiếp. Học Bác Hồ, học đồng chí Trường Chinh về tư tưởng báo chí và cách làm báo là điều Anh luôn ghi nhớ.

Rất đúng khi nói Hoàng Tùng là nhà chính luận bậc thầy. Báo Nhân Dân là cơ quan Trung ương của Đảng, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Xã luận, bình luận, hay chính luận nói chung, luôn là linh hồn sống của tờ báo. Những bài chính luận của Anh trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn nhất, nóng bỏng nhất. Giọng văn của Anh hùng hồn, ngôn ngữ vừa hiện đại lại vừa rất dân gian, giàu hình tượng, đôi khi pha lẫn điển tích, rực lửa chiến đấu và đặc biệt hấp dẫn. Phong cách viết của anh rất riêng, đến nỗi không chỉ những người làm báo Nhân Dân, mà cả giới báo chí của ta, qua những bài viết có ký tên hay không ký tên, đều nhận ra rằng đó là bài của Hoàng Tùng. Trong nhiều năm tham gia lãnh đạo hoặc trực tiếp làm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, kiêm cả Chủ tịch Hội Nhà báo, anh đều chuyển ngọn lửa chiến đấu ấy cho đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, văn hóa và báo chí của ta.

Vào những thời điểm có tính bước ngoặt, anh xông thẳng vào những vấn đề đang tranh cãi, có khi còn chưa ngã ngũ. Cuối năm 1979, giữa lúc Đảng và nhân dân tìm cách làm cho sản xuất bung ra, trong xã hội và trong Đảng le lói những ánh nắng đầu tiên của đổi mới, cũng là lúc diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt về phương cách tiến lên, anh viết liền hai bài xã luận đăng trên báo Nhân Dân, gây chấn động dư luận. Trong bài thứ nhất “Nhiệt tình cách mạng và quy luật khách quan”, anh viết “Trong cuộc chiến đấu lâu dài của chúng ta thường nảy sinh mâu thuẫn giữa nhiệt tình cách mạng và nắm vững quy luật vận động khách quan của cách mạng… Nhiệt tình tiểu tư sản kết hợp với chủ nghĩa kinh nghiệm (chủ nghĩa thực tiễn) có thể dẫn đến những hành động phiêu lưu không tự giác vì chưa nhận thức được quy luật khách quan, dễ bị những lý luận ma quỷ lừa đảo… Trong khi nông trường và hợp tác xã chưa tổ chức tốt chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà thì lại thi hành những chính sách và biện pháp ngăn chặn gia đình nông dân chăn nuôi là hành động độc đoán phi kinh tế… Chủ nghĩa duy ý chí là kẻ thù của những người mác xít – lêninít hành động dưới sự chỉ đạo của khoa học cách mạng”. Trong bài thứ hai “Động lực tinh thần và lợi ích vật chất”, anh phê phán cái “tà thuyết” cho rằng nói đến lợi ích là nói đến chủ nghĩa tư bản, rằng những người cách mạng chỉ nên nói đến tinh thần, ý chí cách mạng quyết định tất cả. Anh viết: “Động lực tinh thần và lợi ích vật chất hòa hợp với nhau thành sức mạnh chung của toàn xã hội. Đối lập hai cái đó với nhau là gây ra hỗn loạn. Động lực tinh thần không dựa trên lợi ích vật chất thì chỉ là một ngọn lửa không có năng lượng dự trữ dồi dào dễ bị tắt ngấm trong chốc lát. Một xã hội mà mọi mối quan hệ chỉ xuất phát từ lợi ích trước mắt, lối trả tiền ngay của những người riêng rẽ là một xã hội tẻ nhạt, không có sức sống, không có tiền đồ…”

Hoàng Tùng viết giỏi, chữa bài cũng giỏi. Có khi một bài chính luận anh viết không quá một giờ đồng hồ. Các bài xã luận, bình luận do các biên tập viên gửi tới, anh đều sửa rất nhanh. Đúng và tốt thì duyệt ngay với chữ ký tắt Tg. Sai và dở thì sửa cả đoạn, thậm chí cả trang hoặc bỏ với dấu chéo “X” ở đầu bài. Có lần một cây bút có cỡ của báo viết xã luận đưa anh duyệt và thấp thỏm ngồi chờ ở bên ngoài. Hai mươi phút sau, bài báo được duyệt đưa ra. Nhà báo xem lại, thấy bài viết của mình chỉ còn lại bốn chữ: Xã luận ở bên trên và Nhân Dân ở bên dưới. Thì ra Hoàng Tùng đã gạch mành mành từ đầu chí cuối và viết đè lên những dòng bị gạch bỏ ấy toàn bộ bài xã luận do anh viết lại.

Đặt và sửa đầu đề là một nghệ thuật. Những cái đề bài dài ngoẵng của biên tập viên, qua bàn tay anh, chỉ còn lại mấy từ mà rất độc đáo. “Sư tử rụng răng”, nói về sự suy yếu của đế quốc Anh trước sự tan rã của hệ thống thuộc địa. “Bù nhìn của bù nhìn”, vạch mặt cái Thượng hội đồng rởm do bọn tay sai Thiệu - Kỳ lập ra để lòe bịp về dân chủ. “Cửa từ bi nổi cơn thịnh nộ”, nói về phong trào Phật giáo các thành thị miền Nam chống Mỹ - ngụy. Cũng có trường hợp ngược lại. Viết bài phê phán Trần Lệ Xuân có những phản ứng thô lỗ với một số bài bình luận của ta về “phong trào phụ nữ liên đới”, “phụ nữ cần lao nhân vị”, biên tập viên chọn đầu đề “Đỉa phải vôi”. Anh thêm một chữ cái, thành ra “Đỉa cái phải vôi”, gây tiếng cười thú vị cho người đọc.

Rất đúng khi nói Hoàng Tùng là nhạc trưởng của dàn đồng ca Báo Nhân Dân, và báo Đảng lại là người lĩnh xướng dàn đồng ca báo chí nước nhà. Báo Nhân Dân, với sự tiếp sức của nhiều cơ quan truyền thông đại chúng và báo chí khác, đã sôi nổi cổ vũ nhiều phong trào hành động cách mạng: Thanh niên “Ba sẵn sàng”, Phụ nữ “Ba đảm đang”, “Đại Phong” trong nông nghiệp, “Duyên Hải” trong công nghiệp, “Ba nhất” trong quân đội...

Hoàng Tùng chỉ đạo cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân đi vào cuộc sống, viết về  những nhân tố mới, điển hình mới, từ đó, phát hiện khá sớm những nhân tố đầu tiên của  đổi mới. Giữa năm 1980, Anh cho mở trên Báo Nhân Dân cuộc thảo luận: “Làm gì và làm thế nào để giải quyết vấn đề “ăn” của xã hội?”.Tiếp đó, tổ chức Hội thảo ở Côn Sơn, tỉnh Hải Hưng, liền trong ba ngày, cũng để bàn về chuyện “ăn”, thật ra là cái cớ để bàn chuyện quản lý kinh tế và chính sách kinh tế. Báo Nhân Dân đã đóng góp một tiếng nói quan trọng vào chủ trương của Đảng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động.

Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm, trong các Đảng bộ và nhân dân, có  phong trào “Học tập và làm theo báo Đảng”.

Cũng rất đúng khi nói Hoàng Tùng là người có công lớn trong xây dựng đội ngũ những người làm báo Nhân Dân, là bà đỡ cho các tài năng trẻ.

Những năm đầu sau khi Báo Nhân Dân về Hà Nội, lực lượng còn mỏng và yếu. Sau mấy đợt bổ sung, số anh chị em có học vấn khá tăng lên, phần lớn ở bậc thành chung, tú tài, nhưng ở trình độ đại học thì còn rất hiếm. Có lần Hoàng Tùng nói: Báo Nhân Dân không thể làm việc mãi với trình độ lớp 10. Tố Hữu cũng nói: Muốn làm báo Đảng, cần có ba cái bằng đại học: đại học văn hóa, đại học chính trị, đại học đường đời.

Hoàng Tùng và Ban Biên tập đã phát  động một phong trào học tập rộng rãi. Mở ngay trong cơ quan nhiều lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, văn hóa và ngoại ngữ, sau này, có cả lớp đại học báo chí tại chức. Đã gửi một số cán bộ trẻ học tại chức, chủ yếu vào ban đêm, đại học Văn ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cử nhiều cán bộ đi đào tạo ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và Trường Đảng cao cấp Liên Xô.

Hướng chính vẫn là tự học, tự  rèn luyện, qua những nhiệm vụ công tác đang làm. Với cán bộ biên tập và phóng viên, học tập ngay trong cách đi vào cuộc sống, cách thu thập tài liệu, viết bài, biên tập bài, tiếp nhận sự sửa chữa bài của Tổng Biên tập và Ban Biên tập

Năm 1981, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Hoàng Tùng thôi giữ chức Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Rời chức vụ này, anh đã để lại cho báo Đảng một đội ngũ cán bộ cứng cáp, trong đó, như anh em nói vui, có “12 vị thánh tông đồ”. Một số trong các vị này, về sau đã kế nhiệm anh lần lượt làm Tổng Biên tập.

Làm được nhiều như vậy, Anh vẫn tỏ ra chưa bằng lòng. Anh nói: Đừng có chủ quan. Trung ương đòi hỏi ở chúng ta nhiều hơn thế. Chất lượng tờ báo và đội ngũ cán bộ còn có vấn đề!

Trong con người của Hoàng Tùng, dường như có sự tương phản giữa lối làm việc chung nghiêm túc, trách nhiệm với nếp sống riêng giản dị và rất đời thường.

Miệt mài công việc, ham học, ham đọc, ham viết nhưng vẫn dành thì giờ để tiếp xúc, “la cà” với nhiều người, nhất là trong giới trí  thức và văn nghệ sĩ. Lắm khi bỏ cả buổi để xem chèo, nghe hát quan họ, ca trù...

Họp cơ quan, bao giờ cũng có mặt ở phòng họp trước 15 phút, dù mình là  người chủ trì. Có khi cùng vài anh em ngồi ngay ghế đá dưới gốc đa bàn kế hoạch ra báo ngày hôm sau.

Đi công tác hay lễ hội, không ít lần ngồi bệt trên bãi cỏ, ăn bát riêu cua hay đĩa bánh cuốn.

Làm việc, thường đi bộ từ nhà riêng số 6 phố Đường Thành đến cơ quan số 71 Hàng Trống. Sau này khi đã về hưu, Anh từ  chối đi xe công nếu đó là đi làm việc riêng. Ai hỏi thì Anh bảo đã có “phương tiện tự túc”. Cái “phương tiện tự túc” ấy không gì khác là chiếc xe ôm hay xe xích lô mà anh phải móc tiền túi ra trả.

Anh được giao nhiều trọng trách nhưng rất  ít quan tâm đến ngôi vị. Năm 1960, tại Đại hội III của Đảng, anh được bầu Ủy viên Trung ương dự khuyết. Anh em chúc mừng. Anh nói: “Chỉ là cái chức phó bảng thôi mà!” Sau này, anh được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, rồi Huân chương Sao Vàng. Được bằng hữu chia vui, anh bảo: “Tôi không nhớ nhưng người khác đã nhớ và tặng thưởng”.

Những năm cuối, có lần anh bị  ốm nặng. Anh em cơ quan đến nhà thăm. Anh hóm hỉnh kể chuyện: Tối qua, tôi đã mơ gặp Bác Hồ, xin Bác cho theo hầu. Nhưng Bác gạt tay và nói: Chưa đến lượt chú! Và Bác đuổi tôi về. Anh cười: Tôi chưa đủ tiêu chuẩn để theo Bác!

Chuyện đời thường của anh Hoàng Tùng, kể không bao giờ hết.

Trong cuộc đời làm báo của mình, khi đương chức cũng như lúc đã về hưu, Hoàng Tùng không chỉ viết cho Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản mà còn viết cho nhiều tờ báo và tạp chí khác, không câu nệ lớn nhỏ. Riêng với báo Nhân Dân, kể những bài anh viết, có ký tên hay không ký tên, cũng đã tới con số nghìn. Nếu tính cả những bài anh sửa, có khi viết lại, thì con số đó còn gấp tới hai, ba lần. Anh viết nhiều thể loại, chủ yếu là chính luận: xã luận, bình luận, chuyên luận, tiểu luận, tiểu phẩm...

Các bút danh anh đã dùng: Chính Nghĩa, Chiến Hữu, Kim Bằng, Chân Lý, Trương Lương, Tiểu Linh, Tuyết Hồng, Tuyết Phong, Yên Chi và Người bình luận, Người quan sát…Tên thật Hoàng Tùng rất ít khi được ký, và chỉ ký trong trường hợp thật cần thiết, không thể không ký.

Với Hoàng Tùng, Nhà báo, là một chiến sĩ cách mạng, đồng nghĩa với Tài năng và Đức độ, Phẩm giá và Lương tri, Vinh dự và Trách nhiệm.

 

Hà Đăng

 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất