Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã xuất hiện hiện tượng một số nhà báo, phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí” hoặc nhóm phóng viên lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhưng thực chất là để nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Nội dung công văn nêu rõ, thời gian qua, hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại các địa phương đã tuân thủ đúng quy định của Luật Báo chí; chủ động, tích cực bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin kịp thời, đưa tin đầy đủ và toàn diện những sự kiện thời sự, chinh trị, kinh tế, xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, theo nhà chức trách, còn nhiều trường hợp, do buông lỏng vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý của một số cơ quan chủ quản, báo chí, thiếu quan tâm giáo dục đạo đức nghề nghiệp với phóng viên thường trú và cộng tác viên; không có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ… dẫn đến tình trạng một số văn phòng đại diện và phóng viên thường trú không đủ điều kiện hoạt động; hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.
Thậm chí, một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý đối với nhà báo, phóng viên và cộng tác viên, không cấp kinh phí hoạt động, không trả lương cho phóng viên, cộng tác viên nhưng vẫn khoán doanh thu quảng cáo. Điều này đã dẫn đến tình trạng các phóng viên tự sử dụng cộng tác viên và cấu kết với một số đối tượng nhằm sách nhiễu doanh nghiệp để vòi vĩnh, ép ký hợp đồng quảng cáo...
Thực tế, đã xuất hiện hiện tượng một số nhà báo, phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí’’ hoặc nhóm phóng viên lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhưng thực chất là để nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Nội dung thông tin trên báo chí do văn phòng đại diện, phóng viên thường trú thực hiện chủ yếu tập trung khai thác các vấn đề tiêu cực, mặt trái, vướng mắc của địa phương, đơn vị trong triển khai các nhiệm vụ kinh tế-xã hội; các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng…
Cơ quan quản lý cho hay, một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động tác nghiệp không đúng quy định pháp luật về báo chí, đưa thông tin thiếu tinh xây dựng, thông tin sai sự thật, vi phạm đạo đức nghê nghiệp của người làm báo, gây phiền hà sách nhiễu đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ các nhà báo chân chính, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú thuộc quyền, bảo đảm hoạt động đúng quy định của pháp luật về báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Trong khi đó, sở thông tin và truyền thông địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn thực hiện đúng các thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định.
Cùng lúc, các sở cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, hoặc báo cáo đột xuất về tinh hình hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú để Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh theo quy định của pháp luật./.
TTX