Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 20/10/2023 10:47'(GMT+7)

Hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng hiệu quả, chuyên sâu hơn

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tiếp xúc cử tri huyện Thọ Xuân và huyện Yên Định trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tiếp xúc cử tri huyện Thọ Xuân và huyện Yên Định trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Đổi mới, linh hoạt, chuyên sâu

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 23/10/2023, bế mạc ngày 28/11/2023; sẽ xem xét, thông qua 9 dự án Luật; cho ý kiến về 8 dự án Luật khác; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024…

Trước Kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đều tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri. Để việc tiếp xúc cử tri hiệu quả, chuyên sâu hơn, các Đoàn đại biểu Quốc hội có sự đổi mới, linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đối tượng đặc thù hoặc theo khu vực... Cử tri đánh giá cao việc tổ chức các cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, qua đó các ý kiến đóng góp chất lượng, tập trung và thiết thực hơn.

Khẳng định tuổi trẻ là lực lượng xung kích, nòng cốt trong bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri là đại diện lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên và nguồn nhân lực trẻ của thành phố. Trong cuộc tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội mong muốn ghi nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri trẻ; nắm bắt và lắng nghe về tình hình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong thanh niên thành phố Cần Thơ.

Tại đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã ghi nhận nhiều đề xuất thể hiện tinh thần, sức trẻ của tuổi trẻ thành phố; đề nghị đẩy mạnh xây dựng chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các thiết chế văn hóa cho thanh niên; có cơ chế đặt hàng thanh niên thực hiện một số nhiệm vụ, dự án cụ thể; xây dựng Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành phố…

Trong buổi tiếp xúc cử tri hai ngành Giáo dục và Y tế do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/10, chuyên đề chính sách tiền lương được nhiều cử tri quan tâm. Cử tri cho rằng chính sách tiền lương dù đã trải qua nhiều lần “cải cách” vẫn chưa tạo động lực đủ mạnh để người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Ngành Giáo dục và Y tế được đánh giá rất quan trọng; tuy nhiên, chính sách về tiền lương của hai ngành hiện còn nhiều bất cập.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Từ những bất cập này, thời gian tới, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh phù hợp về chính sách tiền lương. Mức lương cơ bản sẽ được nâng lên. Chính sách tiền lương của giáo viên, nhân viên trường học; bác sỹ, nhân viên y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh cần được nghiên cứu, có cách tính phù hợp để động viên hai lực lượng này, đảm bảo số lượng và giữ chân được người giỏi.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức buổi khảo sát chuyên đề trước Kỳ họp thứ 6 tại Sở Khoa học và Công nghệ. Tại buổi khảo sát, những thành tựu cũng như hạn chế trong áp dụng khoa học công nghệ trên địa bàn đã được các đại biểu Quốc hội và cử tri chia sẻ. Cử tri là cán bộ trực tiếp làm việc trong lĩnh vực này gửi gắm nhiều ý kiến, kiến nghị để khoa học, công nghệ ngày càng được ứng dụng và phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Nhận xét về các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri cho rằng Quốc hội đã có nhiều đổi mới, khoa học, hiệu quả và hoàn thiện hơn trong tổ chức tiếp xúc cử tri. Việc triển khai các quy định về tiếp xúc cử tri ngày càng nền nếp. Nhiều kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết thấu tình, đạt lý.

Cử tri tham gia xây dựng pháp luật

Cử tri tại cơ sở đã tích cực tham gia vào quá trình lập pháp bằng việc chủ động nghiên cứu kỹ các dự án Luật và có ý kiến đóng góp xác đáng.

Trong số 9 dự án Luật dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả. Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, cử tri mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp này theo đúng quy trình 3 Kỳ họp.

Các nội dung được cử tri quan tâm, tập trung góp ý nhiều nhất là về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Đặc biệt là hỗ trợ tốt nhất cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án; quy định về tính giá bồi thưởng đối với đất nông nghiệp, đất ở phải linh hoạt, sát với giá thực của thị trường. Cử tri cho rằng làm tốt những vấn đề này sẽ hạn chế thấp nhất phát sinh dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện.

Cử tri công tác tại các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xem xét chỉnh sửa các điều, khoản để đảm bảo Luật Đất đai tương thích với các luật liên quan khác như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu... Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nghiên cứu thành lập tòa án chuyên biệt về đất đai vì điều này phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 755/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đảm bảo yêu cầu giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù.

Đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tổ chức lấy ý kiến những người dân thành phố. Trong buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về lấy ý kiến Dự án Luật này, các công dân Thủ đô được trao cơ hội định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo nơi mình sinh sống trong tương lai; được chia sẻ thông tin về quy hoạch, phát triển Thủ đô thành thành phố đáng sống. Cử tri được cập nhật nỗ lực của thành phố để triển khai đồng bộ Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vào Luật Thủ đô (sửa đổi); tìm hiểu sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) ...

Dự thảo Luật Đường bộ và Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hai dự thảo được cử tri rất quan tâm và cùng được đưa ra xem xét tại Kỳ họp thứ 6. Hai dự thảo luật này đã được lấy ký kiến cử tri ở những thành phố có mật độ giao thông đông đúc, có tình hình giao thông phức tạp. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã lấy ý kiến trong cuộc làm việc, kết hợp tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Sở Giao thông Vận tải - đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương, thống nhất nội dung, biện pháp thực hiện, hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này tại địa phương.

Là một trong tám dự án Luật, Quốc hội sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được cử tri đánh giá là dự án luật lớn, có nội dung khó, tác động đến đông đảo người dân, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Góp ý vào Dự án Luật này, cử tri đề xuất sửa đổi theo hướng tăng lợi ích, tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm; hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt; nâng tỷ lệ hỗ trợ người thuộc hộ nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh Trần Ngọc Sanh nhận định đây là những giải pháp cụ thể để vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đặc biệt, cử tri nhiều địa phương đề nghị nghiên cứu lộ trình phù hợp thực hiện phương án về bảo hiểm xã hội một lần. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh Dương Đại Lộc nhấn mạnh, lĩnh bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi chính đáng của người tham gia. Tuy nhiên, tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và tình hình kinh tế, an sinh xã hội của đất nước. Các phương án Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang thể hiện hướng đến hạn chế người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Ông Dương Đại Lộc đề xuất có thể quy định đến năm 2025 người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội không còn chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Thay đổi tích cực trong việc đóng góp ý kiến vào các dự án Luật là cử tri nhiều địa phương đã quan tâm đến Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Điều này cho thấy cử tri đã mở rộng phạm vi quan tâm, không chỉ là những dự án Luật ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội mà đã có dự án Luật liên quan đến phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cử tri cho rằng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) phải đảm bảo được an ninh nguồn nước; có quy định chi tiết về các vấn đề liên quan đến việc chủ động tích nước, điều tiết đảm bảo đủ nước và cấp nước sinh hoạt cho đời sống, sản xuất; tái sử dụng tuần hoàn nước. Do đó cử tri kiến nghị, cần xây dựng chiến lược tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững đa mục tiêu nhằm bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo cử tri, do nguồn nước ngọt có giới hạn, việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý là hợp lý. Đánh giá cao việc đưa nội dung sử dụng nước tuần hoàn trong sử dụng nước tiết tiệm, hiệu quả vào Dự thảo Luật, cử tri đề xuất cần có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các giải pháp tuần hoàn nước, công nghệ tái chế nước thải cho các mục đích sử dụng khác nhau. Đây có thể là tiêu chí đánh giá doanh nghiệp xanh.

Ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội đều rất tâm huyết, cụ thể, không dừng lại ở “kiến nghị” mà đã có những “đề xuất” được đánh giá là khả thi, sát với tình hình địa phương, đất nước. Lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố giải đáp ngay những nội dung thuộc thẩm quyền; tiếp thu các ý kiến khác để tổng hợp, báo cáo Quốc hội, cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

Bình Vân (Tổng hợp)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất