Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 14/5/2017 14:9'(GMT+7)

Học và làm theo Bác: Tích cực, thiết thực xây dựng đời sống mới

Trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Chính vì thế, thời gian qua, các cấp ủy đảng và chính quyền trên địa bàn huyện luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; thực hiện có chất lượng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tuyên truyền sâu rộng những phong tục tiến bộ, nếp sống mới...

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đời sống mới bao gồm “đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới” và phải bắt đầu từ từng người, từng gia đình, các cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan chức năng của huyện đã tích cực chỉ đạo, thực hiện, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trở thành phong trào thi đua yêu nước của quần chúng. Trong đó nòng cốt là phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, cơ quan - đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa.

Với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thanh Sơn đang ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được các cấp khen thưởng, có sức lan tỏa không ngừng trong các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư.

Nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu nổi lên trong quá trình thực hiện đời sống mới như: ông  Ngọc Sinh Đô (xã Tân Minh) phát triển chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm; bà Đinh Thị Nguyệt (xã Tất Thắng) phát triển chăn nuôi, kinh doanh, thu nhập đạt 425 triệu đồng/năm; ông Hà Đình Sở (xã Thục Luyện) phát triển chăn nuôi và trồng rừng, thu nhập đạt 400 triệu đồng/năm...; các tập thể như xã Hương Cần, Tân Lập, Văn Miếu, Khối Đảng- Đoàn thể, Cơ quan chính quyền huyện, Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an thị trấn Thanh Sơn... đã đạt nhiều thành tích về văn hóa, được tỉnh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.

Đến nay, toàn huyện đã có 242/285 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa (84,9%) và 27.922/32.453 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (86%). Phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công nhân viên chức, lao động” cũng đã đạt được nhiều kết quả với 90% cơ quan, đơn vị đảm bảo các tiêu chí xây dựng cơ quan văn hóa; 51 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa cấp tỉnh; 15 cơ quan, đơn vị được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao Bằng Công nhận “Cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt”.

Những kết quả nêu trên đã góp phần hình thành, lan tỏa nếp sống mới trong đời sống của các tầng lớp nhân dân. Những hoạt động văn hoá, thể thao phát triển mạnh, tiêu biểu như các hoạt động giao lưu văn nghệ giữa các khu dân cư, các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động sôi nổi, thường xuyên; nhiều hủ tục và tập quán lạc hậu trong nông thôn được xoá bỏ. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp, đường làng ngõ xóm được bê tông hoá và luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc ngày càng được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó, các phong trào khác như "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", “Người tốt, việc tốt, xây dựng các điển hình tiên tiến”, "Phát huy sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất” cũng đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia.

Bên cạnh việc thực hiện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, huyện Thanh Sơn cũng luôn quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Công tác tổ chức lễ hội đối với 11 di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn (trong đó có một di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh, huyện) đều hoạt động theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo và quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh. Nhiều loại hình văn hóa dân gian được bảo tồn và phát triển trong cộng đồng như: trình diễn cồng chiêng, đâm đuống, hát giang, hát ví của người Mường; diễn xướng dân gian, tết nhảy, múa lập tĩnh của người Dao… đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống trên quê hương Phú Thọ.

Huyện cũng đã thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể cơ sở tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân những quy định của pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nam nữ kết hôn được UBND xã, thị trấn làm thủ tục đăng ký theo đúng quy định của pháp luật. Đám cưới được tổ chức gọn nhẹ theo đúng nếp sống mới như không mở loa đài quá 22 giờ và trước 5 giờ sáng, tổ chức từ 1 đến 1,5 ngày và khách chủ yếu là gia đình nội tộc, bạn bè thân thích. Một số địa phương đã vận động nhân dân không hút thuốc lá trong đám cưới; số lượng khách mời cưới giảm, tiệc cưới được tổ chức ngắn gọn và tiết kiệm. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động không uống rượu, bia trong giờ nghỉ trưa và thời gian hành chính; hạn chế việc uống rượu, bia sau giờ hành chính và ngày nghỉ….

Nếu như trước đây, việc tổ chức lễ tang đối với các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thường rất tốn kém, phức tạp, nhiều hủ tục… thì đến nay, các nghi thức tổ chức tang ma của đồng bào đã có nhiều tiến bộ. Mỗi khu dân cư đều đã thành lập được ban tang lễ và có quỹ thăm hỏi, phúng viếng. Khi gia đình có người chết đều báo cáo kịp thời với chính quyền để làm thủ tục khai tử, đồng thời thành lập ban tang lễ do chính quyền địa phương cùng với các đoàn thể đứng ra tổ chức. Đến nay 100% các xã, thị trấn đã có xe tang và trang thiết bị phục vụ cho việc tang lễ; thời gian khâm liệm, phúng viếng người quá cố chỉ trong vòng 24 giờ; đối với người có bệnh truyền nhiễm không “quàn” trong nhà quá 12 giờ, được chính quyền và ngành y tế hướng dẫn chôn cất đảm bảo vệ sinh môi trường...

Việc tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi trên địa bàn cũng được chính quyền địa phương tổ chức một cách chu đáo, trang trọng, tiết kiệm, đảm bảo quy ước, hương ước khu dân cư đề ra. Không còn tình trạng tổ chức mừng thọ ăn uống linh đình, dài ngày, mời đông khách đến dự, đặc biệt đối với gia đình cán bộ lãnh đạo từ huyện đến cơ sở…

Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó chú trọng thực hiên nếp sống mới, phát huy các giá trị đời sống văn hóa cơ sở, cấp ủy và chính quyền các cấp huyên Thanh Sơn xác định: Cùng với các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục triển khai, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đến với mọi nhà, mọi khu dân cư; coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để đưa quê hương miền núi Thanh Sơn phát triển, đổi mới, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Bài, ảnh: Phùng Huyền Trang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất