Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 25/4/2009 21:20'(GMT+7)

Hội chỉ “bảo hộ” về tính nghề nghiệp

Đó là Ý kiến trao đổi với chúng tôi của Giáo sư, trước sự kiện hy hữu – tranh chấp tên gọi trong nội bộ “làng ca trù”.

Cũng theo ông Tô Ngọc Thanh, cách đây hơn 3 năm, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN) có đầu tư cho kép đàn Nguyễn Phú Đẹ và đào nương Nguyễn Thị Chúc – hai nghệ nhân đã được Hội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội VNDGVN cùng đào đàn Phạm Thị Huệ thành lập CLB Ca trù Thăng Long. Đến nay, CLB Ca trù Thăng Long vẫn sinh hoạt đều đặn, có những đóng góp nhất định trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù và dần khẳng định được thương hiệu. Nhiều đào nương trẻ tuổi của CLB đã trưởng thành nhanh chóng và hoàn toàn có thể trở thành những ca nương, đào đàn xuất sắc trong tương lai... Năm 2008, Hội VNDGVN đã quyết định công nhận CLB Ca trù Thăng Long là một địa chỉ văn hoá văn nghệ dân gian VN.

Xin ông cho biết thêm, quyết định công nhận địa chỉ văn hoá văn nghệ dân gian của Hội VNDGVN có giá trị pháp lý đến đâu và có thể xem đó như một căn cứ “bảo hộ” thương hiệu cho CLB Ca trù Thăng Long hay không?

- Về mặt pháp lý, điều lệ Hội VNDGVN cho phép Hội có quyền thành lập các tổ chức nhỏ dưới Hội. Quyết định công nhận CLB Ca trù Thăng Long là một địa chỉ văn hoá văn nghệ dân gian VN mang quy mô trên cả nước. Nhưng Hội VNDGVN chỉ là Hội nghề nghiệp hoạt động theo tiêu chí, điều lệ của Hội nên Quyết định trên chỉ có giá trị bảo hộ thương hiệu cho CLB Ca trù Thăng Long trong tổ chức, hoạt động của Hội VNDGVN mà thôi.

Được biết, cho đến nay cả CLB Ca trù Thăng Long và Trung tâm Văn hoá ca trù Thăng Long đều chưa có giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu “Ca trù Thăng Long”. Phải chăng đã đến lúc, văn hoá bản quyền trong giới nghệ nhân ca trù nói riêng và nghệ nhân dân gian cần phải xem xét lại?

- Nhiều nghệ nhân vẫn xem hoạt động của mình chỉ đơn thuần mang tính nghề nghiệp nên không đăng ký thương hiệu ở Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật cũng như Cục Sở hữu trí tuệ. Với những người nghệ nhân, thương hiệu trong giới quan trọng hơn cả. CLB là tổ chức tự nguyện, tập hợp những người hoạt động nghề nghiệp chứ có phải là đơn vị kinh doanh, buôn bán gì đâu mà phòng ngừa từ xa những chuyện tranh chấp.

Xung quanh tranh chấp này, gần đây, GS Trần Văn Khê có viết thư bày tỏ suy nghĩ “những việc xảy ra như vậy chứng tỏ rằng trong giới nghệ nhân còn thiếu sự nhất tâm, đoàn kết, điều đó không có lợi cho chúng ta trên trường quốc tế”. Còn quan điểm của riêng ông như thế nào trước sự kiện hy hữu này của làng ca trù?

- Nói cho cùng thì đây là chuyện “gà nhà đá nhau” thôi chứ có gì to tát đâu. Hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật nó có lý lẽ riêng của nó, hữu xạ tự nhiên hương, cái gì có giá trị của nó sẽ tồn tại chứ “trống giong cờ mở” chưa chắc đã được công chúng, khán giả quan tâm. Cũng không đến mức hai bên phải đem nhau ra toà giải quyết tranh chấp. Ai có việc của người ấy, có thể đồng hành cả CLB Ca trù Thăng Long và Trung tâm Văn hoá ca trù Thăng Long mà chưa chắc cái nào “đè” lên cái nào.

Xin cám ơn ông.

Theo Phúc Nghệ-VanHoaOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất