(TCTG) - Trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội đã gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng môi trường, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe con người, do vậy vấn đề sức khỏe môi trường đã được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới.
1. Sức khỏe môi trường là gì?
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) hiểu theo nghĩa rộng: “Sức khỏe môi trường là ảnh hưởng của các nhân tố môi trường đến con người theo khía cạnh sức khỏe, bệnh tật và thương tật, bao gồm các ảnh hưởng trực tiếp đến con người bởi nhiều tác nhân vật lý, hóa học, sinh học, các ảnh hưởng của môi trường vật lý và xã hội gồm nhà ở, sự phát triển đô thị, giao thông, công nghiệp và nông nghiệp”.
WHO quan niệm: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần và có các mối quan hệ xã hội tốt, chứ không phải chỉ là tình trạng không có bệnh tật”. Sức khỏe không chỉ được bảo đảm bởi cuộc sống vật chất mà còn quy định bởi tinh thần – chính là văn hóa và các mối quan hệ giữa cá nhân trong một cộng đồng và giữa các cộng đồng khác nhau. Do vậy, sức khỏe môi trường không chỉ được xem xét ở mức độ cá nhân (vệ sinh cá nhân, ý thức môi trường), cộng đồng (phong tục, lối sống, tập quán), quốc gia (chiến lược bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội từng vùng, miền) mà còn là vấn đề chung của toàn cầu. Ví dụ, sự suy giảm tầng ozon, gia tăng nồng độ CO2 trong khí quyển đều gây ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe con người và đây là các vấn đề toàn cầu.
Mỗi yếu tố môi trường tác động ở nước độ nhất định đến sức khỏe. Sức khỏe tốt là sự thích ứng tốt của cơ thể với môi trường, ngược lại bệnh tật là biểu thị sự không thích ứng. Như vậy, sức khỏe là một tiêu chuẩn về sự thích ứng của cơ thể con người đối với điều kiện môi trường và cũng là một tiêu chuẩn đánh giá môi trường.
Trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội đã gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng môi trường, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe con người, do vậy vấn đề sức khỏe môi trường đã được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới.
2. Các yếu tố được xem xét trong sức khỏe môi trường là gì?
Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật (Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2005). Theo quan điểm y khoa, môi trường bao gồm các điều kiện xung quanh, các ảnh hưởng có tác động đến sinh vật (Davis, 1989). Hẹp hơn, đối với cơ thể sống thì “môi trường sống” là tổng hợp những điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới đời sống và sự phát triển của cơ thể (Lê Văn Khoa, 1995). Nhìn chung, môi trường gồm hai thành phần cơ bản là môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Quan điểm sức khỏe môi trường nghiêng về xem xét các yếu tố môi trường tự nhiên ảnh hưởng tới con người mà con người có thể cải tạo được.
Theo báo cáo sức khỏe toàn cầu của WHO năm 2002 và 2003, các yếu tố môi trường tác động đến sức khỏe gồm: ô nhiễm không khí trong nhà (indoor air pollution); ô nhiễm không khí đô thị (outdoor air pollution); thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém; ngộ độc không chủ đích do hóa chất; bệnh truyền qua véctơ; biến đổi khí hậu.
Dựa vào số liệu khảo sát về y tế, môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội và phương pháp mô hình hóa để ước tính ca tử vong do các yếu tố ảnh hưởng trên thì yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe người dân Việt Nam là ô nhiễm không khí trong nhà; tiếp đến là ô nhiễm không khí đô thị; thiếu nước sạch; điều kiện vệ sinh kém và ngộ độc hóa chất không chủ đích có khả năng gây hại ngang nhau; sau đó là ảnh hưởng của các bệnh truyền nhiễm và cuối cùng là biến đổi khí hậu.
Khi nghiên cứu sức khỏe môi trường, các yếu tố môi trường có thể chia thành từng nhóm: nhóm áp lực từ môi trường tự nhiên (sinh học, hóa học, vật lý), từ xã hội, cá nhân (tâm lý). Có thể giới hạn phạm vi tác động của nhóm các yếu tố lên từng đối tượng như môi trường trong gia đình, công sở, khu vực giải trí hay toàn bộ môi trường sống của một vùng lãnh thổ nhất định.
3. Trong xã hội truyền thống và hiện đại các rủi ro thường gặp do ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe là gì?
Các rủi ro về sức khỏe môi trường ở các nước phát triển và đang phát triển được thể hiện như sau:
Môi trường |
Các rủi ro mang tính truyền thống
(Chủ yếu gặp ở các nước đang phát triển) |
Các rủi ro trong xã hội hiện đại
(chủ yếu gặp ở các nước phát triển) |
Nước, lương thực, thực phẩm và điều kiện vệ sinh |
- Không được sử dụng nước sạch.
- Lương thực, thực phẩm bị nhiễm các nguồn gây bệnh;
- Bệnh truyền nhiễm do các vectơ truyền bệnh;
- Điều kiện vệ sinh yếu kém;
- Bùng phát các dịch bệnh do nguồn nước uống bị bẩn; |
- Ô nhiễm nước ở các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp và các vùng nông nghiệp thâm canh.
- Lương thực, thực phẩm có sử dụng nhiều loại phụ gia và chất bảo quản do các kỹ thuật/công nghệ chế biến hiện đại.
|
Không khí |
- Ô nhiễm không khí trong nhà do sử dụng nhiên liệu “bẩn”
- Ô nhiễm không khí do ô tô, xe máy, các nhà máy phát điện dùng than và công nghiệp hóa |
- Các loại vật liệu, sơn và dung môi dùng trong công nghệ xây dựng hiện đại gây ô nhiễm không khí trong nhà;
- Ô nhiễm không khí đô thị do ô tô, các nhà máy phát điện dùng than và công nghiệp hóa;
- Các loại bệnh truyền nhiễm mới (hoặc các bệnh truyền nhiễm cũ có nguy cơ bùng phát trở lại). |
Môi trường làm việc |
Nguy cơ từ các thành phần sinh học, các chất hóa học, từ bức xạ, các điều kiện cơ học và vật lý (trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp ở các làng nghề); |
- Các chất hóa học, bức xạ, các yếu tố cơ học và vật lý (sản xuất theo dây chuyền và các kỹ thuật sản xuất mới). |
Môi trường bên ngoài |
- Xử lý chất thải rắn không phù hợp và triệt để;
- Tai nạn giao thông đường bộ;
- Các thảm họa tự nhiên (bão, lũ, lụt, hạn hán và động đất). |
- Tích lũy ngày càng nhiều lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại (do phát triển);
- Phá rừng và suy thoái đất;
- Biến đổi khí hậu và suy giảm tầng ozon;
- Tai nạn giao thông đường bộ. |
Nguồn: WHO, 1997
4. Tình hình sức khỏe môi trường tại các làng nghề Việt Nam như thế nào?
Các làng nghề tái chế phế liệu: Không khí, nước, đất bị ô nhiễm, nhiệt độ môi trường lao động cao, tư thế lao động không hợp lý... là những nguyên nhân chính gây ra các bệnh hô hấp, tiêu hóa, mắt, tai, mũi, họng, thần kinh và bệnh phụ khoa. Bên cạnh đó là các tai nạn lao động do nổ lò, bỏng, chấn thương.
Theo điều tra của Tổng cục Môi trường, năm 2009, tại làng nghề Văn Môn (Bắc Ninh), tỷ lệ bệnh hô hấp chiếm 44%, bệnh ngoài da chiếm 13,1%; tại làng nghề Vân Chàng (Nam Định), 8,3% viêm phế quản, xấp xỉ 50% có các triệu chứng bệnh lý thần kinh, hơn 90% có các triệu chứng của bệnh ngoài da.
Các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm: Các hóa chất, vi sinh vật gây bệnh, nước thải, chất thải, bức xạ nhiệt... là những nguyên nhân gây bệnh cho người lao động. Đáng chú ý, Coliform trong nước thải, nước bề mặt và nước ngầm rất cao, là nguyên nhân gây các bệnh có tổn thương ở da, niêm mạc mắt, mũi và đường tiêu hóa. Theo khảo sát của Tổng cục Môi trường năm 2008, tại làng nghề Dương Liễu (Hà Nội), loét chân tay chiếm tỷ lệ 19,7%; 9,43% có triệu chứng bệnh hô hấp; 0,86% có tổn thương ở mắt; 4,28% có bệnh đường tiêu hóa.
Các làng nghề dệt, nhuộm, thuộc da: Tại các làng nghề thuộc da, ô nhiễm môi trường nước là chủ yếu và là nguyên nhân chính gây nên các bệnh đường tiêu hóa và bệnh ngoài da.
Tại các làng nghề dệt may, bệnh lý hô hấp, thần kinh, tai, mũi, họng chiếm ưu thế do bụi, tiếng ồn, tư thế làm việc... Theo kết quả điều tra tại làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông), năm 2000, hội chứng suy nhược thần kinh chiếm tỷ lệ 46%, hội chứng rối loạn tiêu hóa chiếm tỷ lệ 12%, bệnh tật hệ xương khớp chiếm tỷ lệ 29%...
Các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và các làng nghề thủ công mỹ nghệ: Bụi đá, sơn, dầu, hóa chất độc hại như aceton, xylen, benzen... là nguyên nhân gây nên các bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa, tai, mũi, họng và thần kinh.
Theo Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), năm 2006, tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, có 14% bị bệnh ngoài da, 15,1% có các dấu hiệu bệnh lý thần kinh, 4,6% có bệnh đường tiêu hóa, 8,4% có bệnh lý tai, mũi, họng.
Nhìn chung, do tác động của các yếu tố vật lý (nhiệt độ, bức xạ, bụi, lao động nặng nhọc, tư thế lao động gò bó), yếu tố hóa học (các hóa chất hữu cơ, vô cơ độc hại), yếu tố sinh học (virút, vi khuẩn, nấm) trong môi trường lao động và do không đảm bảo các biện pháp bảo hộ lao động, những người lao động trong các làng nghề thuộc nhóm có nguy cơ cao đối với các bệnh lý đường xương khớp và tim mạch. Tỷ lệ mắc bệnh của những người lao động tại các làng nghề cao hơn hẳn so với các vùng khác và tuổi thọ trung bình của người lao động tại các làng nghề thấp hơn từ 5 - 10 năm so với tuổi thọ trung bình ở Việt Nam.
5. Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?
Theo WHO, 80% các bệnh tật của con người có liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường, 50% số bệnh nhân trên thế giới phải nhập viện và 25.000 người chết hàng ngày do các bệnh này. Ở Việt Nam, ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân gây nhiều bệnh như tiêu chảy (do virut, vi khuẩn, vi sinh vật đơn bào), lỵ, trực trùng, tả, thương hàn, viêm gan A, giun sán. Các bệnh này gây suy dinh dưỡng, làm thiếu máu, thiếu sắt, cơ thể kém phát triển, có thể dẫn tới tử vong, nhất là ở trẻ em.
Có đến 88% trường hợp tiêu chảy là do thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường kém. Theo báo cáo thống kê các bệnh truyền nhiễm năm 2005 của Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Bộ Y tế, 10/26 bệnh truyền nhiễm gây đại dịch được giám sát có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất theo thứ tự là cúm gà, tiêu chảy, hội chứng lỵ, sốt xuất huyết, lỵ trực khuẩn, quai bị, lỵ amip, HIV/AIDS, viêm gan virus, thủy đậu, … Như vậy, khoảng một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là có liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường. Điều này cho thấy cần phải tập trung hơn nữa cho việc cải thiện các điều kiện cấp nước và vệ sinh như là một trong các giải pháp đồng bộ nhằm từng bước khống chế và giảm tỷ lệ mắc của các bệnh dịch này.
6. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?
Các nguồn gây ô nhiễm không khí ở nước ta gồm: công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, sinh hoạt nhân dân, các nguồn khác (cháy rừng, ảnh hưởng của các quốc gia lân cận,…) Hoạt động giao thông vận tải là nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm các chất độc hại: bụi hô hấp, oxit cacbon (CO), hơi xăng dầu (CmHn) và bụi chì (Pb) trong môi trường không khí đô thị. Trong các đô thị lớn của nước ta, lượng khí CO, CmHn do giao thông thải ra chiếm tỷ lệ từ 70-90% tổng lượng thải ở đô thị; hoạt động công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng và sinh hoạt đô thị chiếm tỷ lệ 10-30%. Trên khía cạnh sức khỏe môi trường, ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân của nước ta do các hộ gia đình thành phố thường đun nấu bằng điện, than, củi, dầu và gas. Nhiều nơi các gia đình nghèo vẫn dùng than tổ ong để đun nấu.
Y học ghi nhận nhiều bệnh tật về đường hô hấp do môi trường không khí bị ô nhiễm do bụi, hơi khí độc CO, CO2, NO, chì. Các tác nhân này gây ra các bệnh: viêm nhiễm do vi khuẩn, virus, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản, ung thư. Theo Viện Y học Lao động và Sức khỏe Môi trường, hàng năm có khoảng 626 người chết và 1,500 ca hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí. Theo kết quả điều tra của Trung tâm tư vấn y tế thanh thiếu niên Trung Quốc, Uỷ ban tiêu chuẩn quốc gia công bố năm 2010, mỗi năm Trung Quốc có tới 2,2 triệu thanh thiếu niên chết do các bệnh hô hấp do ô nhiễm không khí trong nhà, trong đó có 1 triệu em dưới 5 tuổi. Cũng theo các số liệu của Trung tâm này, ô nhiễm không khí trong nhà cao hơn ô nhiễm không khí ngoài trời 5 tới 10 lần. Hiện nay, trên thế giới có 4% các bệnh liên quan tới chất lượng không khí trong nhà. Các chất ô nhiễm trong nhà gồm có formaldehyde, benzene, ammonia và radon. Trong đó, formaldehyde đứng thứ hai trong danh sách hoá chất độc hại cần hạn chế ở Trung Quốc và đã được WHO xác nhận là chất gây ra ung thu và đột biến. Formaldehyde chủ yếu có trong vật liệu xây dựng trong nhà và đồ nội thất như ván ép, sàn gỗ, hình nền, sơn và chất phủ… Các tài liệu nghiên cứu cũng cho thấy formaldehyde sẽ dần dần phát tác trong vòng 5 tới 15 năm. Tiếp xúc lâu với liều lượng thấp formaldehyde có thể gây ra các loại bệnh hô hấp mãn tính, trí nhớ suy giảm, u não ruột kết, đột biến gen, rối loạn kinh nguyệt, biến chứng khi mang thai, nhiễm sắc thể bất thường ở trẻ sơ sinh…và thậm chí có thể gây ra bệnh bạch cầu. Trong tất cả những người tiếp xúc với formaldehyde, người già, phụ nữ mang thai là những đối tượng mẫn cảm và dễ bị mắc bệnh nhất
7. Chúng ta đã có những điểm mốc quan trọng nào về vấn đề sức khỏe môi trường toàn cầu?
- Năm 1972, Hội nghị liên hợp quốc về môi trường và con người tại Stockholm, Thụy Điển với 113 nước tham gia đã cùng nhau đưa ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định:
+ Hoạt động của con người vừa là nhân tố tích cực song cũng chính là tác nhân phá hủy môi trường sống.
+ Bảo vệ và cải thiện môi trường sống cho con người là các yếu tố tác động trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển kinh tế - xã hội của con người.
- Năm 1997, WHO cam kết thực hiện các mục tiêu toàn cầu về sức khỏe, trong đó có 8 mục tiêu tập trung cho các vấn đề sức khỏe môi trường.
- Năm 1991, Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về Môi trường và sức khỏe tổ chức tại Thụy Điển có sự tham gia của 81 quốc gia, với mục tiêu kêu gọi toàn thể thế giới chủ động khởi xướng và tham gia các hoạt động vì một môi trường trong lành và có lợi cho sức khỏe con người.
- Năm 1992, Chương trình nghị sự 21 được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Môi trường và Phát triển, trong đó xác định “giảm thiểu rủi ro về sức khỏe gây bở ô nhiễm và những ảnh hưởng có hại từ môi trường” là một trong 5 chương trình ưu tiên nhằm bảo vệ sức khỏe môi trường ở cấp toàn cầu.
- Tháng 8/1999, UNEP và WHO ký biên bản ghi nhớ về hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực sức khỏe môi trường.
Ở Việt Nam, mặc dù vấn đề sức khỏe môi trường sớm được quan tâm thông qua hệ thống văn bản pháp luật, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường nhưng việc triển khai thực hiện còn hạn chế. Bởi vậy, chúng ta đang bắt đầu phải trả giá cho sự quan tâm chưa đầy đủ này, việc xuất hiện nhiều điểm “nóng” ô nhiễm môi trường như: các “làng ung thư” ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) cao… Bất cập lớn nhất là vấn đề sức khỏe môi trường chưa được lồng ghép một cách đầy đủ trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chính sách liên quan đến cộng đồng dân cư.
8. Các nguyên tắc cơ bản của sức khỏe môi trường là gì?
Lĩnh vực sức khỏe môi trường yêu cầu sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực liên quan. Các nhà hoạch định chiến lược và chính sách, mỗi ngành, cộng đồng hay cá nhân có thể sử dụng 7 nguyên tắc cơ bản khi tiếp cận vấn đề sức khỏe môi trường:
1. Chú trọng đến con người
Cải thiện và nâng cao điều kiện sống của con người là mục tiêu hàng đầu trong lĩnh vực sức khỏe môi trường. Xem xét vấn đề này trên cả phương diện con người – xã hội và các quyết định mang tính chiến lược, chính sách.
2. Công bằng xã hội
Các nhóm người chịu thiệt thòi trong xã hội (hầu hết là người nghèo) thường phải sống trong điều kiện nhà ở tồi tàn, môi trường ô nhiễm, làm việc trong môi trường độc hại và có ít cơ hội tiếp cận với thực phẩm an toàn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.Tóm lại, họ phải sống và làm việc trong điều kiện môi trường không an toàn.
Các nhà quyết định và hoạch định chính sách cần phải tạo điều kiện cho mọi người, mọi tầng lớp xã hội được sống trong môi trường tốt nhất và tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong khi đưa ra quyết định các nhà hoạch định chính sách phải có chính sách hỗ trợ và khuyến khích nhóm người chịu thiệt thòi trong xã hội nỗ lực để tiếp cận với điều kiện sống tốt nhất.
3. Hợp tác và tương trợ lẫn nhau
Xã hội loài người đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường luôn biến động và phức tạp, sự hợp tác và tương trợ lẫn nhau giữa tất cả các bên liên quan sẽ là công cụ hữu hiệu để giải quyết các vấn đề sức khỏe môi trường. Sức khỏe môi trường là lĩnh vực đa ngành do vậy cần có sự hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau.
4. Tham gia một cách dân chủ
Giải quyết các vấn đề sức khỏe môi trường hiện tại yêu cầu sự tham gia của mỗi cá nhân và toàn cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng không chỉ là cung cấp thông tin; tham gia hỗ trợ quyết định mà họ chính là người chịu sự ảnh hưởng nên chính họ là người quản lý và phát hiện vấn đề. Sự tham gia chủ động sẽ là nguồn thông tin quan trọng để phát hiện các vấn đề về sức khỏe môi trường một cách sớm nhất để hạn chế các tác động bất lợi, việc này rất quan trọng, nhất là các vấn đề bệnh dịch có khả năng lây lan diện rộng.
5. Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Hoạt động sức khỏe môi trường phải thực hiện ở 3 giai đoạn: khắc phục các hậu quả trong quá khứ, kiểm soát khủng hoảng và ngăn chặn các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai. Phòng ngừa là cách tiếp cận cần thiết trong hoạch định chính sách để tránh các vấn đề xảy ra trong tương lai.
6. Hợp tác quốc tế
Vấn đề sức khỏe môi trường đã vượt ra khỏi biên giới của quốc gia và là một vấn đề toàn cầu. Tất cả mọi người và các chuyên gia cùng tham gia để bảo vệ và cải thiện nơi sống của mình hơn là chạy đua khai thác tài nguyên Trái đất để làm giàu cho một nhóm người. Bằng việc hợp tác quốc tế các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe môi trường không bị hạn chế về ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và hệ thống bảo vệ môi trường khác nhau sẽ được thu hẹp nêu các bên tham gia cùng chia xẻ vấn đề của mình.
7. Bảo đảm tương lai bền vững
Nguyên lý này bao gồm cả sáu nguyên lý trên. Quan điểm về nguyên lý sức khỏe môi trường này tương tự với quan điểm phát triển bền vững. Đó là:
- Sự kết hợp hài hòa trong chính sách: lồng ghép sức khỏe môi trường vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường;
- Sự hợp tác: sự tư vấn từ chuyên gia cùng với sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng chính sách phát triển bền vững.
- Quy mô thích hơp: toàn bộ chính sách ở cấp độ quản lý Nhà nước (từ địa phương đến quốc tế), khi có vấn đề sức khỏe môi trường xảy ra ở cấp độ nào cần tập trung vào xử lý ở cấp độ đó./.
Vụ Khoa học, Công nghệ và môi trường (Ban Tuyên giáo TW)