Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19/12 đã gia hạn quyết định cho phép
các cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc cùng các đối tác được sử dụng các
tuyến đường từ Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan vượt qua những chiến tuyến xung đột
và biên giới để vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho hàng triệu người ở
miền Tây Bắc và Nam Syria.
Nghị quyết nhận được 12 phiếu thuận và 3 phiếu trắng của Bolivia, Trung Quốc và Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong nghị quyết này, Hội đồng
Bảo an gồm 15 thành viên kêu gọi giới chức Syria đáp ứng mọi yêu cầu của
Liên hợp quốc và các đối tác thực thi của tổ chức này về việc vận
chuyển hàng cứu trợ cho người dân đang sống tại các khu vực do phe đối
lập kiểm soát.
Ngoài ra, Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một
giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria đồng thời hối thúc tất
cả các bên liên quan tạo điều kiện cho một cuộc chuyển giao chính trị do
người Syria chủ động dẫn dắt để chấm dứt cuộc xung đột.
Tháng 7/2014, Hội đồng Bảo an lần đầu tiên thông qua nghị quyết cho việc
sử dụng các tuyến đường vượt qua những chiến tuyến xung đột để vận
chuyển hàng cứu trợ cho người dân Syria đồng thời giao nhiệm vụ cho Liên
hợp quốc giám sát tiến trình bốc dỡ hàng hóa nhằm đảm bảo rằng tất cả
các mặt hàng đều chỉ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo quyết định gia hạn mới được thông qua, hoạt động cứu trợ này sẽ kéo dài tới ngày 10/1/2019.
Nga trước đó yêu cầu có những thay đổi đối với hoạt động viện trợ vốn không cần sự chấp thuận của Chính phủ Syria.
Phó Đại sứ Nga Vladimir Safronkov lập luận rằng tình hình tại Syria đã
"thay đổi căn bản" trong 3 năm qua và hoạt động viện trợ qua biên giới
này là "di sản của quá khứ".
Theo Moskva, hoạt động viện trợ này gây phương hại tới chủ quyền của
Syria vì đáng ra các cơ quan viện trợ phải xin phép Damascus trước khi
chuyển hàng tới Syria.
Trong khi đó, Mỹ khăng khăng rằng các chuyến hàng viện trợ qua biên giới
là phao cứu sinh cho những người dân Syria sống tại vùng lãnh thổ do
phe đối lập quản lý vì Damascus hạn chế nghiêm ngặt việc chuyển hàng tới
những khu vực này.
Hiện có hơn 13 triệu người cần viện trợ nhân đạo tại Syria, quốc gia hiện đang trong năm chiến tranh thứ bảy.
Cùng ngày, phát biểu trước Hội đồng Bảo an, nhà điều phối hoạt động cứu
trợ của Liên hợp quốc Mark Lowcock cho biết kể từ giữa tháng 11 gần
400.000 người Syria mắc kẹt ở đông Ghouta, khu vực được xác định là khu
vực "giảm căng thẳng", vẫn còn phải hứng chịu các vụ không kích và giao
tranh trên mặt đất diễn ra hàng ngày - trừ 2 ngày ngừng bắn ngắn ngủi.
Cũng tại cuộc họp này, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria ông Staffan
De Mistura cho biết vòng đàm phán mới nhất giữa chính phủ và phe đối
lập Syria, kết thúc hồi tuần trước tại Geneva, đã không đạt được tiến
triển thực sự nào./.
(TTXVN)