Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 20/3/2009 15:17'(GMT+7)

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục

Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền biển đảo. Ảnh minh họa

Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền biển đảo. Ảnh minh họa

Hội LHPN Việt Nam xác định nội dung tuyên truyền giáo dục trong năm 2008 là Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề: Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lối làm việc; các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chủ trương thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng bền vững.

Thực tiễn cho thấy, để công tác tuyên truyền, giáo dục ngày càng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, việc không ngừng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục theo phương châm phù hợp, dễ hiểu, dễ làm là hết sức quan trọng.

Tập trung tuyên truyền quán triệt, tổ chức học tập sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ về Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ X ở các cấp Hội phụ nữ. Việc học tập được gắn với thảo luận, liên hệ tình hình thực tế địa phương, kí cam kết thi đua thực hiện, xây dựng chương trình hành động phù hợp với đối tượng và trình độ phụ nữ. Sau một năm triển khai học tập và thực hiện, Nghị quyết Đại hội đã từng bước đi vào vào cuộc sống. Các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội được các cấp Hội cụ thể hoá thành kế hoạch hoạt động của từng năm. Phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được cụ thể hoá thành 3 tiêu chuẩn thi đua và triển khai dưới nhiều hình thức thiết thực như tổ chức thi đua giữa các chi, tổ phụ nữ; học tập gương điển hình phụ nữ xuất sắc; trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, lao động sản xuất, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình…Vì vậy, phong trào đã thu hút hàng triệu phụ nữ tham gia. Kết quả, năm 2008 có 10.446.851 hội viên (73 %) và 1.147.580 phụ nữ đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào.

Với quyết tâm đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành ý thức tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ, Trung ương Hội đã biên soạn và triển khai đến các chi hội tài liệu sinh hoạt hội viên hàng quý dưới dạng hỏi đáp về Cuộc vận động với hình thức trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tập trung vào chủ đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên cơ sở tài liệu của Trung ương Hội, Hội LHPN ở cơ sở đã tổ chức cho hội viên sinh hoạt học tập, thảo luận, đăng kí thực hiện theo chi hội. Nhiều vấn đề liên quan tới thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở từng gia đình, từng địa phương được chị em đặt ra, trao đổi, thảo luận sôi nổi. Đó là vấn đề lãng phí đất đai, chất đốt của phụ nữ miền núi; vấn đề lãng phí điện, lãng phí trong mua sắm đồ dùng vật dụng gia đình của phụ nữ thành phố; hoặc nhiều nơi chị em thấy băn khoăn vì chỉ mới tiết kiệm trong đám tang mà chưa tiết kiệm trong đám cưới; hay vấn đề lãng phí thời gian, công sức do cách thức làm việc thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm…

Thông qua thảo luận, liên hệ thực tiễn, hầu hết chị em đều thấy cần phải tiết kiệm, trước hết là tiết kiệm cho bản thân, gia đình; tiết kiệm để có lợi cho cộng đồng, tập thể; tiết kiệm để góp phần thực hiện các hoạt động xã hội như xoá đói giảm nghèo, tương thân tương ái…từ đó thống nhất lựa chọn, đăng kí hình thức “làm theo” thiết thực, có ý nghĩa. Các mô hình thực hành tiết kiệm phổ biến mà Hội phụ nữ cơ sở đã và đang triển khai, nhân rộng là: Mô hình “ống tiết kiệm”, “nuôi heo đất” , “Hũ gạo tình thương”, tiết kiệm điện nước sinh hoạt, thu gom phế liệu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Định, Bình Thuận, Nghệ An, Hà Nội...; mô hình xây dựng “Kho thóc tình thương” để giúp nhau những lúc khó khăn hoạn nạn của phụ nữ huyện MangYang, tỉnh Gia Lai; mô hình “Vườn rau sạch tiết kiệm” tại thị trấn Nông trường - huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang; mô hình “Chuyển giao hỗ trợ phương tiện, máy móc, thiết bị, vật dụng gia đình” của phụ nữ Bà Rịa- Vũng Tàu; mô hình tận dụng đất sản xuất của phụ nữ bản Bó Định, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) ;…

Từ kết quả phong trào thực hành tiết kiệm, đồng thời qua khảo sát nhu cầu thực tiễn, Hội LHPN Việt Nam phát động Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, triển khai đến 100% cơ sở Hội, thu hút hàng triệu hội viên, phụ nữ, nhiều nhà hảo tâm, nhiều nhà doanh nghiệp, nhiều tổ chức cá nhân tham gia hưởng ứng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tính đến tháng 12-2008, các cấp Hội đã huy động được tổng kinh phí ủng hộ trên 45 tỷ đồng.

Hướng tới kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 12-2008, Trung ương Hội đã biên tập và phát hành 120.000 cuốn Tài liệu sinh hoạt hội viên Về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến 100% chi hội phụ nữ trong cả nước với nội dung đề cập tới các chuyên đề “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Thực hành tiết kiệm” cùng một số bài viết biểu dương những tấm gương phụ nữ “học tập” và “làm theo” Bác; đặc biệt là hai tài liệu quan trọng: “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Điếu văn” của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp chính sách của Nhà nước; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, phẩm chất, đạo đức cho hội viên, phụ nữ cũng được các cấp Hội quan tâm. Hình thức tuyên truyền chủ yếu là tổ chức học tập, thi tìm hiểu, cung cấp tài liệu dưới dạng hỏi đáp (Hỏi đáp về Luật Bình đẳng giới; Hỏi đáp về Luật Phòng chống bạo lực gia đình…); xây dựng tờ Thông tin phụ nữ phát hành định kì và theo chuyên đề tới các cơ sở Hội; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để thực hiện công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng hoạt động ở các cơ quan tuyên truyền của tổ chức Hội như Báo Phụ nữ Việt Nam; Báo Phụ nữ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Website của Hội LHPN Việt Nam và Website của các tỉnh, thành Hội; tờ Thông tin phụ nữ của Trung ương Hội và của các tỉnh, thành Hội; các chuyên trang, chuyên mục trên các báo địa phương… tạo được một mạng lưới tuyên truyền vừa có bề rộng vừa có chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về pháp luật; tôn vinh vẻ đẹp và khẳng định vị thế của người phụ nữ Việt Nam cũng như của tổ chức Hội.

Từ thực tiễn công tác tuyên truyền, giáo dục trong tổ chức Hội những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm nhỏ sau đây:

Thứ nhất, nội dung tuyên truyền, giáo dục phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của đất nước, nhiệm vụ chính trị của Hội; đồng thời phải đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng tài liệu tuyên truyền, giáo dục phải bảo đảm yêu cầu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, phù hợp với trình độ hội viên phụ nữ ở cơ sở (nhất là hệ thống tờ rơi, tờ gấp mang thông điệp tuyên truyền giáo dục; các cuốn sổ tay sinh hoạt hội viên được xây dựng dưới dạng hỏi- đáp; …).

Thứ hai, cách thức tuyên truyền, giáo dục phải linh hoạt, sinh động, hấp dẫn. Phối hợp giữa các bài thuyết trình với các hình thức tuyên truyền, giáo dục thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, văn hoá văn nghệ, hội thi tìm hiểu, hội thi kể chuyện; phát huy được tính chủ động của hội viên, phụ nữ trong việc tiếp thu: được nghe, được trao đổi, thảo luận, bàn bạc; từ đó nâng cao tính tự giác trong việc thực hiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải tạo được sự cộng hưởng, lan toả: từ cán bộ đến hội viên phụ nữ; từ hội viên phụ nữ đến hội viên phụ nữ; từ hội viên phụ nữ đến những người thân trong gia đình, trong cộng đồng (vấn đề tuyên truyền, vận động “thực hành tiết kiệm” gạo, tiền, chi phí trong sinh hoạt gia đình hội viên phụ nữ… ).

Thứ ba, quan tâm khai thác các nguồn lực để tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về cả kiến thức và kĩ năng; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Hội và của đất nước. Khi năng lực đội ngũ cán bộ Hội được nâng lên thì sẽ càng có cơ hội thu hút nhiều các chương trình dự án, các mối quan hệ phối kết hợp. Từ đó, vị thế của Hội càng được khẳng định vững chắc hơn.

Năm 2009 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước, là năm thứ 3 triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đối với Hội LHPN Việt Nam, năm 2009 được xác định là năm nâng cao chất lượng hoạt động để thực hiện hiệu quả chức năng đại diện và chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Trên tinh thần đó, công tác tuyên truyền, giáo dục trong các cấp Hội cũng được đặt trước những nhiệm vụ mới, yêu cầu cao hơn, thách thức lớn hơn, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng, tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong các tầng lớp phụ nữ và trong toàn xã hội./.

Hoàng Thị Ái Nhiên

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất