Chiều ngày 15/3, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023).
Tới dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân.
Ôn lại truyền thống 70 năm Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đồng chí Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: Cách đây tròn 70 năm, ngày 15/3/1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Ngày 16/12/2002, Bộ Nội vụ đã đồng ý lấy ngày 15/3 hàng năm là ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.
Ngày 15/3/1953 được xem là ngày mở đầu của Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam - mốc quan trọng để nhiếp ảnh phát triển mạnh theo định hướng của Chính phủ, còn thực chất nhiếp ảnh cách mạng ra đời sớm hơn nhiều.
Đồng chí Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đọc diễn văn kỷ niệm.
Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ống kính của các nhà nhiếp ảnh đã để lại một pho sử bằng ảnh quý giá, đầy tự hào về chặng đường đấu tranh giành độc lập và đổi mới đi lên của đất nước. Hàng nghìn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ - phóng viên chiến trường và thế hệ các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền Nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hàng chục tác giả đã được trao tặng phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật lĩnh vực nhiếp ảnh. Hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đã được trao giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò của Nhiếp ảnh trong đời sống tinh thần của Nhân dân, đồng thời xác lập vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
|
Quang cảnh lễ kỷ niệm.
Phát huy truyền thống của Đoàn Nhiếp ảnh chiến khu Việt Bắc (1949), Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (thành lập năm 1965 với 71 hội viên sáng lập), đến nay đã có hơn 1.000 hội viên ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là lực lượng nòng cốt trong sáng tác, triển lãm, quảng bá hình ảnh Việt Nam cho công chúng trong nước và ra thế giới.
Chặng đường 70 năm của nhiếp ảnh Việt Nam với những bước tiến dài vượt bậc khi mà vị thế của nền nhiếp ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đây cũng là dịp để đúc kết kinh nghiệm, giúp nhà quản lý, những người hoạt động nhiếp ảnh sáng tạo hơn nữa. Nhiếp ảnh đã, đang và sẽ góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước ngày càng phát triển “Vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tham quan gian trưng bày ảnh tại lễ kỷ niệm.
Đồng chí Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh: Nhìn lại việc thực hiện những nhiệm vụ đề ra trong Sắc lệnh 147/SL, cho thấy nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam về cơ bản đã đi đúng hướng và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Nhiếp ảnh đã sử dụng lợi thế của mình là ghi chép trực tiếp mang tính tài liệu tham gia vào mặt trận đấu tranh tuyên truyền và giáo dục văn hóa cho Nhân dân.
Sắc lệnh cũng chính thức hóa sự quan tâm của Nhà nước tới nghệ thuật nhiếp ảnh, đánh giá cao vai trò của ảnh trong sự nghiệp văn hóa của đất nước. Sự quan tâm này thể hiện qua suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sau này trong việc xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 1965 là dấu ấn quan trọng đánh dấu sự ra đời của một tổ chức nghề nghiệp và chính trị dưới sự quản lý của Đảng và Nhà nước. Việc phát triển nhiếp ảnh về bề rộng lẫn bề sâu là nhu cầu cũng như là mong muốn của tất cả những người cầm máy.
Phất cờ trên nóc hầm De Castries - 1954. (Ảnh: Triệu Đại)
Xe tăng Quân giải phóng tiến húc đổ cổng Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Chặng đường lịch sử phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam thông qua thực tiễn phát triển của nhiếp ảnh với việc thực hiện những nhiệm vụ đề ra trong Sắc lệnh là một minh chứng rằng việc ký Sắc lệnh có giá trị lý luận không thể phủ nhận được:
Sắc lệnh đánh giá cao vai trò của nhiếp ảnh và điện ảnh trong nền văn hóa thị giác của dân tộc. Chúng ta đã biến một vũ khí của kẻ thù dùng để nô dịch dân tộc trở thành một vũ khí cách mạng sắc bén để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và giữ gìn đất nước.
Sắc lệnh cũng nêu lên trách nhiệm chính trị của người nghệ sĩ nhiếp ảnh với lịch sử dân tộc, đặt việc bám sát nhiệm vụ tuyên truyền cho đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào trọng tâm. Điều này vừa thể hiện bản lĩnh nghệ sĩ, vừa nắm được thế mạnh của nhiếp ảnh là có thể nhanh chóng đáp ứng được những vấn đề thời sự. Nó cũng thể hiện quan điểm của Hồ Chủ tịch cho là văn hóa nghệ thuật không đứng ngoài kinh tế và chính trị.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng bức trướng nhân kỷ niệm 70 năm Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Sắc lệnh cũng hướng nghệ thuật nhiếp ảnh vào việc phản ánh hiện thực cuộc sống, thúc đẩy những yếu tố tiến bộ, tích cực trong xã hội, quan tâm tới đời sống ở Việt Nam và bè bạn trên thế giới.
Sắc lệnh thông qua những nhiệm vụ cụ thể giao cho nhiếp ảnh Việt Nam vừa đề cao tính thời sự của hình ảnh, vừa tôn trọng việc ghi chép và lưu giữ lịch sử, tạo thành một mảng quan trọng trong văn hóa thị giác của dân tộc và thế giới.
Với giá trị thực tiễn và lý luận nói trên, bản Sắc lệnh 147/SL có một ý nghĩa to lớn với đời sống nhiếp ảnh, điện ảnh và địa điểm nơi khai sinh ngành điện ảnh và nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (1953) tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia năm 2020.
Vinh danh các nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng ngày lễ kỷ niệm trọng thể của những người hoạt động nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam; đồng thời trân trọng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn bám sát đời sống, song hành với những sự kiện trọng đại của của đất nước, dân tộc suốt 70 năm qua. Di sản nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam sống mãi với non sông, lay động hàng triệu trái tim công chúng trong và ngoài nước, góp phần tích cực trong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Giới nhiếp ảnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc của chủ trương, quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ; tiếp tục đi sâu đi sát đời sống, phản ánh chân thực hơi thở cuộc sống nhân dân, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi bức ảnh phải có giá trị chân, thiện, mỹ, phản ánh phong phú đời sống nhân dân, quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, hội nhập khu vực quốc tế.
|
Vinh dah các hội viện Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trên 40 năm tuổi hội.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cần sớm có chương trình, kế hoạch nghiêm túc, cụ thể tạo đột phá cho ngành nhiếp ảnh. Các Bộ, ban, ngành, Trung ương và địa phương tạo điều kiện để các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác nhiều tác phẩm giá trị.
Tại lễ kỷ niệm này Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Việt Nam tôn vinh các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng lập, nghệ sĩ nhiếp ảnh tiền bối, nghệ sĩ nhiếp ảnh trên 40 tuổi hội, các nhà nhiếp ảnh tham gia 2 cuộc kháng chiến, những tài năng nghệ thuật, những người có cống hiến đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam; đồng thời cũng tổ chức khen thưởng những nghệ sĩ nhiếp ảnh đã và đang tích cực hoạt động vì sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam./.
Duy Phong