Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 25/5/2009 19:31'(GMT+7)

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9: Tăng cường quan hệ, ứng phó khủng hoảng và thách thức toàn cầu

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, đại diện Ủy ban châu Âu (EC), 22 vị bộ trưởng cùng nhiều quan chức cấp cao và hơn 400 đại biểu đến từ 45 nước thành viên ASEM đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc hai châu lục Á – Âu đã có mặt tại hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc.

Hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo Á - Âu bàn thảo các giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như mọi thách thức toàn cầu với ASEM hiện nay. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và có bài phát biểu khai mạc.

Trải qua chặng đường 13 năm tồn tại và phát triển, ASEM đang ngày càng chứng tỏ sức sống mạnh mẽ, với việc triển khai được 120 sáng kiến trên cả ba trụ cột hợp tác; tạo dựng được vị thế và vai trò quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Từ chỗ 26 thành viên sáng lập năm 1996, đến nay ASEM đã quy tụ được 45 thành viên (kể từ Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 7 tại Bắc Kinh tháng 10/2008), trong đó 10 nước thuộc nhóm G-20, chiếm khoảng 58% dân số thế giới, gần 60% tổng kim ngạch thương mại và khoảng 50% GDP toàn cầu. Với tiềm năng to lớn trên mọi lĩnh vực, ASEM đang trở thành hình mẫu về hợp tác Á - Âu trong một thế giới đa dạng và phức tạp; tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác toàn diện Á - Âu cũng như hợp tác song phương giữa các thành viên trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

FMM 9 là hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao là cầu nối giữa hai kỳ Hội nghị Cấp cao với trọng trách thúc đẩy việc triển khai các quyết định của Lãnh đạo Á – Âu tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 7 hướng đến Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 8 tại Brúc-xen, Bỉ năm 2010.

Hội nghị FMM 9 có ý nghĩa quan trọng bởi diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục chuyển biến nhanh chóng và phức tạp: Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các thách thức toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết.

FMM 9 là cơ hội để các bộ trưởng ngoại giao và đại diện đến từ 45 nước thành viên xây dựng các biện pháp liên kết mới trong ASEM. Một trong những nội dung quan trọng của FMM 9 là đẩy mạnh hợp tác trong ASEM nhằm chung tay góp sức với cộng đồng thế giới ứng phó với khủng hoảng; xác định rõ những thách thức đang phải đối mặt để tìm giải pháp hữu hiệu sớm đưa ASEM vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rõ, là một trong những nước thành viên sáng lập, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và đóng góp tích cực cho ASEM. Việt Nam tham gia một cách chủ động và có trách nhiệm trong hợp tác ASEM, không chỉ về đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế, mà cả trong các lĩnh vực khác, nhất là văn hoá, giáo dục và y tế.

Đăng cai Hội nghị FMM 9 có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Đây là dịp để bạn bè quốc tế Á – Âu hiểu hơn về chủ trương, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước theo hướng rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực; nhất quán coi trọng và tích cực đóng góp cho Tiến trình ASEM, tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các thành viên ASEM. Đồng thời, đây cũng là dịp để Việt Nam giới thiệu với các bạn bè thế giới về thành tựu công cuộc đổi mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ vui mừng về những thành tựu đạt được trong quan hệ với các nước Á-Âu, nhiều thành viên hiện là đối tác chiến lược và đối tác hàng đầu về kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục đào tạo của Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng tin tưởng với tiềm năng hợp tác to lớn và cơ hội ngày càng rộng mở, quan hệ hợp tác của Việt Nam và các thành viên ASEM sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy hợp tác, đối thoại Á – Âu ngày càng sống động, thực chất và hiệu quả, vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của 2 châu lục Á-Âu và của toàn thế giới.

Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu tiến hành phiên thảo luận đầu tiên về kinh tế.

Bên lề Hội nghị chính thức, một số hoạt động đã và đang diễn ra như: Tọa đàm Doanh nghiệp ASEM tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6-5-2009, Liên hoan phim ASEM (Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tại Hà Nội, từ 15 đến 22-5-2009), Hội thảo các nhà báo Á – Âu lần thứ 5 (Hà Nội, 23 và 24-5-2009), Triển lãm ảnh của các nhà nhiếp ảnh trẻ Á – Âu (Hà Nội, từ 23 đến 26-5-2009) và Phòng thông tin về ASEM/ASEF (tại khuôn viên Hội nghị).

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất