Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 23/5/2009 21:22'(GMT+7)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, một trong những lý do cần thiết phải thay đổi cơ chế tài chính cho giáo dục là do mối tương quan về chỉ số giá tiêu dùng và chi cho giáo dục đã nảy sinh nhiều bất cập.
Đề án "Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục" do Bộ đưa ra lần này gồm 8 nội dung cơ bản. Những ngày qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về Đề án này. Có nhiều thông tin chỉ nhấn mạnh một chiều là tăng học phí ở khối giáo dục đại học và dạy nghề mà chưa nhắc tới 7 nội dung lớn có ý nghĩa xã hội đặc biệt quan trọng, nhằm thúc đẩy giáo dục đào tạo trong 5 năm tới.
Phó Thủ tướng cho biết, đây là đề án tài chính giáo dục có tính nhân văn cao đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Phó Thủ tướng khẳng định: Học phí là sự chia sẻ theo khả năng của hộ gia đình với nhà nước. Giải pháp của Chính phủ là sử dụng kinh phí cho giáo dục và đào tạo có hiệu quả ngày càng cao hơn và tăng nguồn lực quốc gia cho giáo dục từ ngân sách nhà nước và từ đóng góp của người dân, nhưng sự đóng góp của người dân phù hợp với khả năng thu nhập của họ, không là gánh nặng về tài chính.

Tất cả các ý kiến trong cuộc hội nghị trực tuyến đều thể hiện sự nhất trí rất cao với nội dung của Đề án. Đại biểu Hà Nội xin làm thí điểm mức thu học phí mới và sẽ chia làm 5 mức. Cụ thể, các hộ nghèo và gia đình chính sách thì miễn hoàn toàn và cấp thêm cả tiền học phẩm. Học phí ở các xã miền núi với Hà Nội mở rộng sẽ không khác so với hiện nay. Học sinh có cha mẹ làm nông nghiệp không thay đổi mức học phí mà chỉ thay đổi với những người có khả năng đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

 GS.TS Hoàng Văn Châu – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương bày tỏ “Chúng tôi hoàn toàn tán thành với mức tăng học phí như trong đề án. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để có điều kiện tập trung cho chất lượng giảng dạy, đầu tư cho cơ sở vật chất.” Bởi vì với mức thu như hiện nay và nếu học phí có tăng lên 255.000đ/sinh viên/tháng thì nhà trường cũng mới chỉ thu được 18 tỷ/năm, trong khi đó chỉ tính riêng khoản tiền lương của giảng viên đã là 20 tỷ/năm.

TS. Hoàng Văn Điện - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng cho biết: “Hiện tại mức chi phí cho chế độ học bổng và miễn giảm học phí của trường trong một năm là gần 10 tỷ, trong khi đó thì NSNN chi cho trường là 13 tỷ, số tiền còn lại chỉ đủ trả lương cho giáo viên trong một tháng. Do vậy mức học phí tăng lên như trong đề án cũng vẫn rất thấp”.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó GĐ Đại học QG Hà Nội chia sẻ “Chúng tôi cho rằng đề án cần sớm được phê duyệt để thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo. Đề án đề xuất việc tăng học phí đào tạo theo lộ trình và kèm theo đó là chương trình tín dụng đối với sinh viên nghèo, chế độ học bổng cho sinh viên – như vậy đây là đề án hợp lý giải quyết những bất cập về học phí vẫn tồn tại trước đây”.

Đánh giá về tính khả thi của Đề án, Bộ trưởng cho rằng, trong giai đoạn 2009 - 2014, việc thực hiện đề án "Đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục" sẽ có tác dụng vì nó xác định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý trong việc lập kế hoạch ngân sách cho giáo dục, và điều này được đánh giá công khai, tạo tiền đề cho việc xử lý trách nhiệm cá nhân và tổ chức. Đồng thời, các cơ sở giáo dục phải thực hiện "3 công khai": công khai cam kết và thực tế chất lượng giáo dục, công khai nguồn lực của cơ sở đào tạo, công khai tài chính.

Thực hiện Đề án, đời sống thầy cô giáo và điều kiện làm việc sẽ được chăm lo tốt hơn. Chất lượng đào tạo được tăng thêm, từ đó, hiệu quả lao động của người tốt nghiệp cao hơn. Đây là căn cứ quan trọng để phụ huynh và người học chọn trường, tạo áp lực cạnh tranh lành mạnh để các trường phát triển và để nhà nước kiểm tra.

Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đã bắt đầu được hơn 2 năm (từ 9/2007) và nhận được nhiều ý kiến đóng góp; đã trình Bộ Chính trị, trình Quốc hội và tiếp tục lấy ý kiến.  Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các địa phương tiếp tục có ý kiến và gửi đến đại biểu quốc hội của tỉnh để góp ý kiến cho phiên họp Quốc hội tuần tới.

 TH
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất