Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 2/3/2009 13:53'(GMT+7)

Hội nghị cấp cao ASEAN 14 kết thúc tốt đẹp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Phiên họp kín ASEAN 14

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Phiên họp kín ASEAN 14

Trước khi rời Thái Lan về nước, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tham dự phiên họp kín cấp cao và lễ ký kết các văn kiện quan trọng của hội nghị lần này. Hội nghị Cấp cao đã ra Tuyên bố Cha Am-Hủa Hỉn về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, cũng như đã trao đổi và thông qua nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác ASEAN, đặc biệt là về ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đang tác động tiêu cực tới khu vực, đưa Hiến chương và bộ máy mới của ASEAN đi vào cuộc sống, đẩy nhanh các nỗ lực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá ý nghĩa quan trọng của Hiến chương, nhấn mạnh đoàn kết ASEAN là một trong những yếu tố then chốt giúp ASEAN bảo đảm liên kết nội khối thành công, tiến tới hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 vì hòa bình, ổn định và phát triển ở  khu vực.

Để đối phó hiệu quả khủng hoảng tài chính toàn cầu, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải có những biện pháp mạnh bạo và đồng bộ ở cấp độ từng nước cũng như khu vực và quốc tế. Từng nước ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh củng cố thiết chế tài chính-ngân hàng của mình, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính, củng cố niềm tin của giới đầu tư, kinh doanh; ASEAN cũng cần tăng cường phối hợp chính sách tài chính - tiền tệ trong nội bộ ASEAN và với các nước có nền kinh tế quy mô lớn, vững mạnh và dự trữ ngoại tệ dồi dào trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thủ tướng chia sẻ với các nước kinh nghiệm ứng phó với tác động của khủng hoảng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nhất là về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thất nghiệp, lao động di cư... Về vấn đề an ninh lương thực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác ASEAN trên cơ sở Hiệp định khung tổng thể, Chiến lược hành động an ninh lương thực ASEAN giai đoạn 2009-2013 và xem xét khả năng lập Quỹ dự phòng về an ninh lương thực khu vực.

Trao đổi và thống nhất vấn đề ứng phó hiệu quả với các tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đối với khu vực, Hội nghị nhất trí cần phải tăng cường hợp tác, tự cường khu vực; tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, đi đôi với áp dụng giải pháp kích thích kinh tế thông qua công cụ ngân sách, nới lỏng tín dụng tiền tệ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãnh đạo các nước nhấn mạnh cần phải tiếp tục tự do hóa thương mại trên thế giới, không sử dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào phi thuế quan và nỗ lực hợp tác thúc đẩy vòng đàm phán Doha đạt kết quả.

Hội nghị đồng ý sớm đưa Cơ chế đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai với quy mô vốn 120 tỷ USD vào thực hiện; đồng thời kêu gọi các nước phát triển phối hợp chặt chẽ hơn với các nước đang phát triển nhằm khôi phục và bảo đảm hoạt động của thị trường tài chính và cộng đồng quốc tế nhanh chóng tìm biện pháp cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó chú trọng hơn tới vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển.

Hội nghị đánh giá cao nỗ lực đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, nhất là việc lập và đưa một số cơ chế mới của ASEAN vào hoạt động như Ủy ban Đại diện thường trực của các nước ASEAN tại Jacarta, các Hội đồng ASEAN ở cấp Bộ trưởng…, điều chỉnh lịch hoạt động của ASEAN phù hợp quy định của Hiến chương.

Hội nghị khẳng định quyết tâm tăng cường liên kết nội khối trên tất cả các lĩnh vực, hướng mạnh tới xây dựng và hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội ASEAN; đồng thời cam kết tích cực thúc đẩy nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, qua đó đóng góp vào tiến trình hình thành Cộng đồng.

Theo đó, các Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Cha Am-Hủa Hỉn về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với các Kế hoạch tổng thể cho từng trụ cột Cộng đồng và Khuôn khổ chiến lược Sáng kiến Hội nhập ASEAN và Kế hoạch Công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN giai đoạn 2 (2009-2015) làm văn kiện phụ lục.

Trong dịp Hội nghị, nhiều văn kiện khác của ASEAN cũng đã được ký kết và thông qua như Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định An ninh dầu khí ASEAN, Tuyên bố chung về thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của ASEAN, Tuyên bố ASEAN về an ninh lương thực, Hiệp định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Australia-New Zealand…

** Cũng trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị cấp cao ASEAN 14 lần này, Việt Nam đạt được nhiều thoả thận song phương quan trọng cả về chính trị và kinh tế.

Trước hết là Chính phủ hai nước Australia-New Zealand chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ cam kết áp dụng đầy đủ các quy định liên quan của WTO về chống bán phá giá, trợ cấp đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt nam bình đẳng như các thành viên khác của WTO.

Đây là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt giữa Việt Nam với Australia-New Zealand, một lần nữa khẳng định kết quả, hướng phát triển đúng đắn Việt Nam trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Chính phủ New Zealand còn cam kết dành hạn mức ưu đãi về tiếp nhận lao động có tay nghề của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand  trong hơn 40 ngành nghề khác nhau. Đây là đối tác đầu tiên của ASEAN dành hạn mức ưu đãi về lao động cho Việt Nam.

Trong quan hệ song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva  nhất trí sớm khởi động lại cơ chế họp Tiểu ban Thương mại, Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Thái Lan và duy trì Nhóm Công tác chung Chính trị-An ninh Việt Nam-Thái Lan nhằm đẩy mạnh hơn nữa đầu tư và thương mại giữa hai nước; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, lao động, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng; tăng cường tuần tra chung trên biển; tiếp tục hợp tác phòng chống tội phạm.

Ngay trong tháng 3 này, đoàn hợp tác về gạo của chính phủ Thái Lan sẽ sang nước ta nhằm đẩy mạnh hợp tác từ cấp bộ đến doanh nghệp xuất khẩu gạo và người nông dân.

ASEAN là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Gần gũi về vị trí địa lý, công thêm quyết định dỡ bỏ cơ bản các hàng rào thuế quan và phi thuế quan theo cam kết Khu vực thương mại tự do ASEAN, năm 2008 Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN gần 11 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến tháng 12/2008, các nhà đầu tư trong ASEAN cũng đã cam kết đầu tư hơn 60 tỷ USD vào Việt Nam./.
Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất