Diễn ra trong bối cảnh những diễn biến phức tạp trên thế giới cùng những
bước điều chỉnh chính sách của một số nước trong thời gian qua, hội
nghị đứng trước nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi các nước phải thể hiện
trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề chung.
Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo G20 cùng các đối tác quan
trọng tìm kiếm giải pháp vượt qua khó khăn và bất đồng nhằm đạt được mục
tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững để góp phần định hình một thế giới
kết nối.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 sẽ thảo luận và tìm
kiếm quan điểm chung đối với một loạt vấn đề toàn cầu đang gây chia rẽ,
trong đó có cuộc chiến chống khủng bố, thương mại tự do và biến đổi khí
hậu.
Hội nghị sẽ có 5 phiên thảo luận gồm các vấn đề liên quan đến kinh tế
thế giới (tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng cường liên kết thương mại
và đầu tư, tài chính và thuế); hợp tác chống biến đổi khí hậu, thực hiện
các cam kết cắt giảm khí thải và năng lượng; y tế và chống dịch bệnh;
các vấn đề phát triển, châu Phi và phụ nữ; vấn đề việc làm trong nền
kinh tế số hóa dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cùng tham dự hội nghị còn có các nhà lãnh đạo của Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Guinea, Senegal, Singapore và Việt Nam.
Theo giới phân tích, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy chính sách
"Nước Mỹ trên hết" đã làm nảy sinh bất đồng giữa Washington với nhiều
nước, ngay cả những nước vốn là đồng minh thân cận của Mỹ.
Thương mại tự do đã trở thành vấn đề được dư luận hết sức quan tâm kể từ
khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kêu
gọi giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại. Do đó, tại hội nghị này,
các nhà lãnh đạo G20 sẽ phải nỗ lực tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề
thương mại tự do, đặc biệt sau khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc
ngân hàng của nhóm nhất trí chống lại "mọi hình thức của chủ nghĩa bảo
hộ" trong tuyên bố chung đưa ra hồi tháng 3.
Một vấn đề khác được cho là cũng sẽ làm nảy sinh bất đồng giữa các nhà
lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 là biến đổi khí hậu, nhất là
sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm
2015.
Ngay trước khi diễn ra hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Mỹ
sẽ bị cô lập trong vấn đề chống biến đổi khí hậu bởi một thực tế rằng
trong khi Washington quyết định rút khỏi Hiệp định Paris năm 2015 thì
nhiều nước đang mong muốn triển khai thực thi thỏa thuận mang tính toàn
cầu này.
Thủ tướng Đức khẳng định các cuộc thương lượng về vấn đề chống biến đổi khí hậu sẽ "không dễ dàng" đối với ông Donald Trump.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G20 cũng sẽ thảo luận việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (IBMC) hồi đầu tuần.
Tại cuộc gặp 3 bên trước hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn
Quốc đã nhất trí gia tăng sức ép lên Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Trung
Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của
Bình Nhưỡng cũng như nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga trong các nỗ
lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Các lãnh đạo 3 nước trên cũng cho biết sẽ đi đầu trong các nỗ lực nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ của G20 tới Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng sẽ thảo
luận nhiều vấn đề "nóng" khác của thế giới, trong đó có người di cư,
đầu tư tại châu Phi, số hóa và trao quyền cho phụ nữ.
Ngay trước thềm hội nghị, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng
Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí kêu gọi các
nền kinh tế thành viên G20 hành động để khôi phục thương mại, cho rằng
"tăng cường hội nhập thương mại kết hợp với các chính sách hỗ trợ trong
nước có thể giúp tăng thu nhập và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng toàn
cầu."
Theo các nhà lãnh đạo của 3 thể chế quốc tế trên, tiến độ mở cửa thương
mại đã bị đình trệ kể từ đầu những năm 2000, với quá nhiều vấn đề thương
mại còn tồn tại, cũng như các chính sách ủng hộ ngành công nghiệp trong
nước và các rào cản mới được tạo ra.
Do đó, các nước cần loại bỏ các rào cản thương mại, giảm trợ cấp và các
biện pháp bóp méo thương mại khác, cũng như cần đưa ra các chính sách
trợ giúp những người lao động và các cộng đồng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi
những thay đổi về cơ cấu kinh tế, như hỗ trợ tìm kiếm việc làm, đào tạo
bổ túc và hướng nghiệp.
Được thành lập vào năm 1999, G20 là diễn đàn hợp tác quốc tế trong các
lĩnh vực kinh tế và tài chính và hiện chiếm hơn 80% Tổng sản lượng thế
giới và 75% thương mại toàn cầu. G20 bao gồm 19 quốc gia thành viên và
EU./.
Theo TTXVN