Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 8/2/2018 10:37'(GMT+7)

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN: Nhận diện và đẩy lùi các thách thức an ninh mới

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gặp gỡ Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gặp gỡ Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc

 

Giải pháp mới cho thách thức mới

Tại ADMM Retreat lần này, các bộ trưởng tập trung thảo luận về một vấn đề mới. Nếu như trước kia chỉ có khái niệm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống thì trong thời điểm hiện nay đã xuất hiện một khái niệm mới, đó là những thách thức an ninh cũ và thách thức an ninh mới. Trên cơ sở đó, trong năm 2018 này, các quốc gia sẽ tập trung thảo luận về những thách thức an ninh mới - còn có tên khác là “mặt trái của cách mạng khoa học công nghệ 4.0”. 

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, có thể nhận diện những thách thức an ninh dựa trên công nghệ cao như an ninh mạng; các loại vũ khí tác chiến mạng, vũ khí hóa học, sinh học, vũ khí cao phân tử, các hoạt động khủng bố có vũ trang và phi vũ trang. Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tất cả các nước tại diễn đàn hội nghị và các bộ trưởng đều nhất trí cho rằng xã hội ngày càng phát triển, xu hướng hòa bình, ổn định ngày càng lan rộng và phổ biến ở tất cả các quốc gia, song các thách thức an ninh không những bị đẩy lùi mà còn phát triển theo. Điều này không chỉ  đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực của từng nước, mà còn cần sự chung tay của cả ASEAN. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhìn nhận, trong điều kiện hiện nay, rõ ràng những thách thức trên đã đặt các quốc gia ASEAN vào con đường duy nhất là phải đoàn kết và thống nhất. Điều quan trọng là mỗi nước cần biết bảo vệ lợi ích của mình, nhưng cũng phải biết tiết chế tham vọng để có được sự thống nhất, cùng đấu tranh với các thách thức.  

Hội nghị cũng nghe các chuyên gia trình bày về nguy cơ khủng bố tại khu vực Đông Nam Á và nhất trí thông qua tuyên bố chung chuyên đề của bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN về chống khủng bố ở khu vực.

Xây dựng đối ngoại quốc phòng

Trên cơ sở nhận điện các thách thức an ninh cũ và mới, Việt Nam xác định xây dựng chính sách đối ngoại quốc phòng phải đi trước một bước. Theo đó, công tác đối ngoại quốc phòng năm 2018 của Việt Nam đã đặt ra một số yêu cầu mới đó là đối ngoại quốc phòng phải làm sao đóng góp cho nền đối ngoại quốc gia, giữ cho đất nước hòa bình, ổn định và có môi trường thuận lợi để phát triển; đồng thời đối ngoại quốc phòng cũng phải giữ cho quân đội xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, bảo vệ lợi ích cũng như chủ quyền lãnh thổ của đất nước. 

Trong năm 2018, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác song phương, trong đó xác định xây dựng trọng tâm quan hệ với các nước láng giềng (Lào, Campuchia, Trung Quốc); các nước và khu vực lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Liên minh châu Âu - EU...); tăng cường quan hệ ASEAN cả song phương và đa phương; các nước “bạn bè cũ”... Việc xác định trọng tâm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai mở rộng chính sách đối ngoại quốc phòng song phương. 

Về quan hệ đa phương, Việt Nam cần phải làm tốt hơn vai trò trong cấu trúc hợp tác quốc phòng ASEAN và ASEAN mở rộng. Không chỉ như vậy, sắp tới đây, một số cấu trúc an ninh trên thế giới như cộng đồng quốc phòng quân sự EU cũng quan tâm và mong muốn hợp tác quốc phòng với Việt Nam..., trong đó có rất nhiều đối tác chiến lược của Việt Nam. Và vì vậy, việc hợp tác này sẽ giúp tăng cường nội hàm đối tác chiến lược với các nước của EU.

VIỆT ANH (tổng hợp)/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất