Trong thông cáo chung kết thúc hội nghị, IMF và Ủy ban Tài chính (IMFC)
nhấn mạnh phục hồi kinh tế toàn cầu đang lấy lại được sức bật, song tăng
trưởng vẫn ở mức khiêm tốn do sự không chắc chắn về các yếu tộ địa
chính trị và chính sách.
IMFC tái xác nhận cam kết thể hiện lập trường chính sách một cách rõ
ràng, tránh các chính sách chỉ tập trung vào trong nước và duy trì ổn
định tài chính toàn cầu, đồng thời sử dụng mọi công cụ chính sách để đạt
được tăng trưởng mạnh, bền vững, cần bằng, toàn diện và tạo thêm nhiều
việc làm.
IMFC nhắc lại cam kết trước đây về việc tránh phá giá tiền tệ để tăng
tính cạnh tranh, song từ bỏ cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình
thức.
Lý giải cho việc điều chỉnh câu chữ nói trên trong thông cáo chung, phát
biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico
kiêm Chủ tịch ủy ban điều hành IMF Agustin Carstens nêu rõ chủ nghĩa
bảo hộ là một thuật ngữ mang tính tương đối và không có quốc gia nào
trên thế giới lại không sử dụng biện pháp hạn chế thương mại.
Ông cho rằng thay vì tập trung vào ý nghĩa của khái niệm này, IMFC đã
quyết định giải quyết vấn đề thông qua một cơ chế tích cực và xây dựng
hơn. Các thành viên đã nhất trí phản đối chính sách tập trung hướng nội
và nỗ lực tăng cường sự đóng góp của thương mại đối với các nền kinh tế.
Các nguy cơ về chính trị tác động tới kinh tế cũng là chủ đề được hội
nghị thảo luận. Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng các nước
thành viên đều nhận thức được rằng thế giới có thể đang chuyển từ các
nguy cơ tài chính và kinh tế cao sang các nguy cơ về địa chính trị.
Theo bà Lagarde, nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen giành chiến thắng
trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, điều này có thể sẽ dẫn tới một bước
ngoặt về kinh tế và chính trị, do đó cần có một sự chuyển biến về chính
sách từ thúc đẩy phát triển sang tăng trưởng toàn diện và đồng đều hơn.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào
tháng 11 năm ngoái đã khiến các nhà hoạch định chính sách toàn cầu và
các thị trường tài chính quan ngại về sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Mỹ
hiện là một trong những thành viên đóng góp tài chính lớn nhất cho IMF.
Với chương trình nghị sự kinh tế theo chủ nghĩa dân túy, chính quyền của
ông Trump đã cam kết chấm dứt các chính sách thương mại phổ biến đã
được thực thi trong hàng thập kỷ bằng việc đàm phán lại hoặc xóa bỏ các
thỏa thuận thương mại, áp đặt thuế quan và hướng về các thoả thuận
thương mại song phương.
Cũng trong cuộc gặp với bà Lagarde tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài
chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố Mỹ, quốc gia đang cân nhắc các chính
sách bảo hộ mới, và hoàn toàn ủng hộ thương mại tự do, nhưng phải mang
tính công bằng, có nghĩa là các bê đều phải được hưởng lợi.
Trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và hoài nghi về lợi ích của hội
nhập kinh tế ngày càng tăng, báo cáo của IMF, công bố đầu tuần qua, vẫn
nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay lên 3,5%./.
Theo TTXVN