Tham dự hội nghị có Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, đang ở thăm và làm việc tại châu Âu.
Hội nghị càng được dư luận quan tâm bởi nó diễn ra ngay sau khi Tổng
thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về
chống biến đổi khí hậu, đã được gần 200 lãnh đạo các nước, trong đó có
người tiền nhiệm Barack Obama ký vào tháng 12/2015.
Phát biểu mở màn phiên thảo luận, Chủ tịch Junker nhấn mạnh đến nhu cầu
bức thiết phải xây dựng một nền kinh tế toàn cầu có lượng khí thải
carbon thấp.
Ông cho rằng Trung Quốc và EU đang gửi tới thế giới, bao gồm các doanh
nghiệp, nhà đầu tư và các nhà nghiên cứu ở châu Âu và Trung Quốc, một
thông điệp rằng "không có đường lùi" cho Hiệp định Paris.
Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng cả EU và Trung Quốc cần
duy trì các quy tắc, đặc biệt là những quy tắc đa phương, để tránh cho
thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Tại cuộc họp, cả Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Hội đồng châu Âu
Donald Tusk đều tuyên bố sẽ thúc đẩy Hiệp định Paris về chống biến đổi
khí hậu dù không có sự tham gia của Mỹ.
Lập trường này của Bắc Kinh trước đó cũng đã được người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định trong cuộc họp báo cùng
ngày. Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc vẫn sẽ thực hiện đúng cam
kết đưa ra trong Hiệp định Paris.
Cùng với Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn hàng đầu châu Á khác là Nhật
Bản và Hàn Quốc khẳng định sẽ kiên trì và tiếp tục cùng các quốc gia
khác trên thế giới thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến
đổi khí hậu.
Những tiếng nói đi đầu chỉ trích quyết định mới nhất của Tổng thống Mỹ
Trump cũng chính là các quốc gia châu Âu. Ngay trong ngày 1/6, lãnh đạo 3
nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh Hiệp định Paris là
nền tảng hợp tác giữa các nước nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí
hậu một cách có hiệu quả và kịp thời, do đó, quyết định của Mỹ thực sự
là điều đáng tiếc. Tuyên bố cũng nêu rõ hiệp định này sẽ không thể được
đàm phán lại.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là cam kết toàn cầu đầu tiên
về khí hậu, được 195 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11 năm ngoái,
với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí cácbonic nhằm kiềm chế
mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế
giới, sau Trung Quốc. Theo Hiệp định Paris, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025
cắt giảm 26-28% lượng khí thải gây ô nhiễm so với năm 2005.
Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định
Paris sẽ khiến thỏa thuận này kém hiệu quả hơn cũng như cản trở nỗ lực
của toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.
Theo TTXVN