Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng thống nước chủ nhà Mauricio Macri khẳng
định việc các nước thành viên đạt được sự đồng thuận để ra tuyên bố
chung của hội nghị phản ánh sự cần thiết phải hồi sinh thương mại quốc
tế và những lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu.
Mặc dù vậy, đây cũng chính là hai vấn đề từng là những thách thức của
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người không thực sự đồng tình với cách tiếp
cận thương mại tự do của Liên minh châu Âu và cũng từng tuyên bố rằng
ông thậm chí không tin rằng biến đổi khí hậu tồn tại.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 khẳng định thương mại quốc tế và
đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc
làm và phát triển, đồng thời thừa nhận sự đóng góp của hệ thống thương
mại đa phương để thực hiện mục tiêu này.
Cho rằng hệ thống hiện nay chưa thực hiện tốt vai trò của mình, các nhà
lãnh đạo G20 bày tỏ sự ủng hộ với một sự cải tổ cần thiết của Tổ chức
Thương mại Thế giới (WTO) nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của mình.
Liên quan tới biến đổi khí hậu, văn kiện bản chỉ ra rằng các nhà lãnh
đạo G20 đã lưu ý về báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về tác động của
sự nóng lên của Trái đất, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư
vào cơ sở hạ tầng chống lại các diễn biến thời tiết khắc nghiệt và thiên
tai.
Phát biểu bế mạc của Tổng thống Argentina cũng đề cập tới Hội nghị về
biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức vào tuần tới, coi đó
là cơ hội để thảo luận những vấn đề cần phải cải thiện để hoàn thành
những cam kết trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở đó, tuyên bố chung cho biết các bên tham gia ký kết Thỏa
thuận Paris về biến đổi khí hậu khẳng định đây là một cam kết không thể
đảo ngược, phản ánh trách nhiệm khác nhau, cũng như khả năng tương ứng
tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Văn kiện cũng ủng hộ những
hành động và hợp tác tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc
gia dễ bị tổn thương.
Tuyên bố chung nêu rõ, mặc dù vẫn kiên quyết thực hiện quyết định rút
khỏi Thỏa thuận Paris, song chính phủ Mỹ khẳng định cam kết mạnh mẽ đối
với tăng trưởng kinh tế và năng lượng thông qua việc sử dụng tất cả các
nguồn năng lượng và công nghệ, cũng như bảo vệ môi trường.
Trong phiên họp toàn thể cuối cùng của hội nghị, các nhà lãnh đạo G20
cũng nhất trí cho rằng cuộc cách mạng công nghệ là một thách thức tác
động tới việc làm và không thể tách rời khỏi giáo dục và đào tạo thường
xuyên.
Cùng với đó, hội nghị cũng thảo luận và thống nhất việc thúc đẩy bình
đẳng giới, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm chứ không chỉ là một thực tế
của công bằng xã hội và phát triển.
Kết thúc hội nghị, Argentina đã chuyên giao vai trò Chủ tịch luân phiên cho Nhật Bản, nước chủ nhà của hội nghị G20 năm 2019./.
(TTXVN)