Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 8/7/2016 20:33'(GMT+7)

Hội nghị thượng đỉnh NATO trước những thách thức chồng chất

Trụ sở NATO. (Nguồn: AFP)

Trụ sở NATO. (Nguồn: AFP)

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh những thách thức cả truyền thống lẫn phi truyền thống đối với NATO ngày càng trở nên gay gắt. Chủ nghĩa khủng bố và mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp tục tạo ra nguy cơ an ninh đối với khu vực châu Âu-Đại Tây Dương; nhiều "điểm nóng” chưa được giải quyết, đặc biệt là cuộc xung đột chưa có hồi kết ở Syria và dòng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu dẫn tới sự rối loạn và bất ổn tại nhiều nơi. 

Quan hệ luôn trong tình trạng căng thẳng giữa Nga và NATO lại "nổi sóng” khi trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe, đồng thời thúc đẩy sự hiện diện quân sự ở phần biên giới phía Đông của NATO giáp biên giới Nga. Đặc biệt, áp lực càng đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo NATO khi "cơn địa chấn Brexit" với việc cử tri Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) không chỉ tác động tới hoạt động hợp tác giữa NATO với EU nhằm đối phó với những thách thức chung, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ trong nội bộ NATO, bởi London là một trong những thành viên chủ chốt đóng góp đáng kể trong cả NATO lẫn EU. 

Giới phân tích cho rằng Brexit là tin xấu đối với NATO cũng như sự hợp tác quốc phòng châu Âu do Anh là một cường quốc quân sự trọng yếu. 

Trên thực tế, lâu nay NATO và EU có mối quan hệ gần gũi và thường phối hợp hoạt động bởi những lợi ích đan xen của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Hai tổ chức này đang cân nhắc thiết lập một một nền tảng hợp tác mới có thể đối phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra, nhất là khi cả NATO và EU đều muốn phối hợp chặt chẽ trong xử lý mối quan hệ với Nga. "Cú sốc" Brexit đang khiến khả năng phối hợp giữa hai tổ chức này có nguy cơ bị gián đoạn và gây chia rẽ giữa các thành viên trong NATO cũng như EU.

Trong khi đó, một loạt động thái leo thang quân sự mang tính "ăn miếng trả miếng" gần đây giữa NATO và Nga cho thấy mối quan hệ hai bên vẫn khá phức tạp dù hai bên đã cùng “xuống thang” để ngồi lại đối thoại nhằm mở đường cho việc nối lại hợp tác trong những vấn đề cùng quan tâm và cùng có lợi.

Việc NATO không thực hiện cam kết ngừng mở rộng về phía Đông và không thiết lập các căn cứ quân sự mới tại các nước Đông Âu là căn nguyên sâu xa khiến mối quan hệ với Moskva luôn trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt."

Cùng với việc Mỹ kích hoạt "là chắn tên lửa" tại Romania và Ba Lan, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO sẽ quyết định kế hoạch triển khai 4 tiểu đoàn tại Ba Lan và 3 nước Baltic là Estonia, Litva, Latvia. 

Trước đó, NATO đã tăng lực lượng tác chiến tại châu Âu từ 20.000 lên 40.000 quân. Cùng với hàng loạt cuộc tập trận với mật độ dày đặc chưa từng có sát biên giới Nga, liên minh quân sự này cũng lên kế hoạch thành lập Hạm đội Biển Đen, theo đó Mỹ sẽ điều các chiến hạm của Hạm đội 6 làm lực lượng nòng cốt cùng với các tàu chiến khác của các đồng minh trong và ngoài khu vực.

Ngoài ra, NATO còn tích cực lôi kéo một số quốc gia trung lập như Moldova, Thụy Điển, Phần Lan nhằm vây hãm Nga. Mới đây nhất, tháng 5 vừa qua, NATO đã ký thỏa thuận về việc kết nạp Montenegro, quốc gia nhỏ bé ở khu vực Balkan vào liên minh này. 

Những động thái "bao vây quân sự" trên bộ và trên biển của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moskva đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với mối đe dọa từ NATO như lập thêm 4 sư đoàn tại Quân khu miền Tây và trang bị ngay lập tức hơn 2.000 thiết bị quân sự mới và hiện đại tại khu vực này trong năm nay. Nga cũng khẳng định sẽ đưa các loại vũ khí cực mạnh đến tăng cường cho Crimea, có thể là tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và máy bay ném bom Tu-22M3 - hai loại vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.

Dù chưa công khai thừa nhận về một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng rõ ràng cả NATO và Nga đều đang tìm cách tăng cường chi tiêu cho quân sự trong bối cảnh cả hai bên đều đang gặp khó khăn về tài chính. Các nhà lãnh đạo NATO liên tục thúc giục các nước thành viên tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng đến nay chỉ có 5 nước thực hiện được mục tiêu này. Trong khi đó, ngân sách của Nga cũng đang rất khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Việc Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận quan hệ NATO và Nga cần được xây dựng trên cơ sở "phòng thủ và đối thoại" cho thấy giữa hai bên khó có thể tạo dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau trong "một sớm một chiều." Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cho cả NATO và Nga cũng cho thấy mối quan hệ song phương xấu đi đang làm tổn hại tới nhiều lợi ích của hai bên. 

Quyết định tổ chức cuộc họp Hội đồng NATO-Nga vào ngày 13/7 tại Brussels (Bỉ) sau hội nghị thượng đỉnh NATO lần này và gần 3 tháng kể từ khi NATO và Nga có cuộc họp đầu tiên trở lại hồi tháng 4 vừa qua sau hai năm "đóng băng" có thể xem là sự thay đổi lập trường của cả đôi bên. 

Vai trò cùng sức mạnh và sự hiệu quả của Nga trong cuộc chiến chống lại IS tại Syria khiến NATO thấy khó có thể thiếu vắng sự hợp tác của Moskva để ngăn chặn và đánh bại lực lượng khủng bố. Không phải ngẫu nhiên mà trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Ba Lan, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg đã nhận định rằng thế giới đang trở nên nguy hiểm hơn so với vài năm về trước và đây là thời điểm mang tính quyết định đối với an ninh của các nước thành viên NATO. 

Rõ ràng, NATO đang đứng trước những thách thức lớn. Hội nghị thượng đỉnh lần này là "phép thử" đối với NATO trong việc thực hiện mục tiêu làm cho liên minh mạnh hơn, có khả năng đương đầu hiệu quả hơn với những thách thức an ninh khu vực và toàn cầu, song cần tránh đối đầu quân sự với Nga và không làm gia tăng thêm căng thẳng ở châu Âu./. 

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất