Hội nghị đã kết nối với 792 điểm cầu ở địa phương, bao gồm cả điểm cầu ở một số huyện, xã với tổng số đại biểu tham gia gần 70.000 người.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự Hội nghị có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong 3 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện và đồng bộ; các cấp, các ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 05 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nghiêm túc, bài bản, đúng kế hoạch với nhiều nội dung sáng tạo, cụ thể, lựa chọn nhiều nội dung đột phá, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã dần trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, tự giác của hầu hết tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và được quần chúng nhân dân hưởng ứng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; từng bước ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiều bức xúc nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cùng với việc tiếp tục duy trì, phát huy các mô hình có hiệu quả, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, kinh nghiệm quý trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước (như hằng trăm mô hình trong thực hiện công tác cải cách hành chính, Chương trình mục tiêu quốc gia “Giảm nghèo bền vững”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào thanh niên tình nguyện, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” … được tổ chức thực hiện trong cả nước); qua đó, xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, trong các tầng lớp nhân dân, khắp các địa bàn trong nước.
Việc học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã cơ bản khắc phục được tính “hình thức”, chất lượng ngày càng cao với nhiều sự vận dụng phong phú, sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, tổ chức Đảng, nội dung sinh hoạt của chi bộ có tiến bộ với nội dung thiết thực, cụ thể hơn, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên; tác động tích cực đến nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; chấn chỉnh lề lối, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo được những chuyển biến khá rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng.
Việc giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân được tăng cường. Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Bộ Giáo dục, Đào tạo biên soạn xong Chương trình, giáo trình mới về các môn lý luận chính trị theo Kết luận số 94 của Ban Bí thư khóa XI (gồm 5 môn Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh) đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề từ năm học 2019-2020. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Hành chính quốc gia bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giảng dạy ở các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp. Các trường chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đưa nội dung học tập chuyên đề hàng năm vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên. Nhiều sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai thực hiện dạy tích hợp bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống” trong môn Giáo dục công dân, Ngữ văn kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tích cực tổ chức các hoạt động phong trào trong đoàn viên, thanh niên gắn với giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cách mạng.
Công tác biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tấm gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05 được các cấp uỷ, tổ chức Đảng quan tâm. Công tác tuyên truyền nội dung, kết quả thực hiện Chỉ thị 05, tuyên truyền các mô hình hay, tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đẩy mạnh với rất nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đã tạo được tác động tích cực, sự lan tỏa trong xã hội (có rất nhiều hình thức tuyên truyền như Báo, đài mở các chuyên trang, chuyên mục; các ngành, các địa phương tổ chức các đợt sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu, trong đó có những cuộc thi có sự tham gia rất đông, như Hội thi Olympic các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lần thứ II năm 2017 có hơn 416.000 sinh viên thuộc 675 trường đại học, cao đẳng, học viện trong nước và sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tham gia, lần thứ III năm 2019 có 686.590 lượt thí sinh đến từ 4.027 trường trong nước và sinh viên Việt Nam ở ngoài nước tham gia dự thi. Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhận được hàng vạn tác phẩm tham gia; Việc tuyên truyền còn được thực hiện qua các cuộc giao lưu điển hình tiên tiến, các cuộc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” với những tấm gương người thật, việc thật có sức lan tỏa sâu rộng).
Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết được thực hiện bài bản, đồng bộ. Việc cam kết và thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của đa số cán bộ, đảng viên đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, phù hợp hơn với đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên. Trong đó, nhiều cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã nghiêm túc thực hiện việc định kỳ trao đổi, đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp, nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dân, giúp cho việc lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của chính quyền các cấp sát đời sống, gần với dân, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, vững mạnh thực sự vì dân. Qua đó, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, mang lại sự thống nhất và đoàn kết trong nội bộ, đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.
Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã dần trở thành việc làm thường xuyên, thành ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhiều người dân trong cả nước, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, từng địa phương, đơn vị. Kết quả thực hiện Chỉ thị 05 cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác xây dựng Đảng đã góp phần làm cho vai trò, vị trí, uy tín của Đảng, của hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt. Trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đáng phấn khởi của 03 năm qua có sự đóng góp tích cực của kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII.
TG tiếp tục cập nhật về Hội nghị.
Thu Hằng