Thứ Bảy, 27/7/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 7/3/2024 12:31'(GMT+7)

Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ trì Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương...

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Hội nghị tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết, trong đó quy định những nội dung rất quan trọng về đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; viễn thông; các tổ chức tín dụng; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; về căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; tài nguyên nước; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn... nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn. Đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị nghe hai báo cáo quan trọng, gồm: Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, chủ yếu trong việc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Hội nghị nghe một số báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát và một số nội dung thuộc trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các luật, nghị quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy trách nhiệm, tích cực tham luận, phát biểu với tinh thần khách quan, thiết thực. Các báo cáo, tham luận cần phản ánh cụ thể, khách quan công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai nhiệm vụ; thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất giải pháp khả thi, nhằm tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

BẢO ĐẢM LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2024 SỚM ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Tham luận tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành. Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, các văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, trong năm 2024, dự kiến ban hành các nghị định thi hành Luật Đất đai về các nội dung: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về quỹ phát triển đất; Quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Quy định về giá đất; Quy định chi tiết về đất trồng lúa; Quy định về lấn biển; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Các thông tư hướng dẫn được quy định trong Luật về các nội dung: Quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Quy định về Thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Quy định về Hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; Quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính và hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi lĩnh vực phụ trách sẽ thực hiện giám sát việc ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai, tập trung vào sự phù hợp của các nghị định, thông tư hướng dẫn với Luật về mặt nội dung, hình thức, thẩm quyền ban hành... bảo đảm các nghị định, thông tư phải quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2024; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và hệ thống pháp luật.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai...

Sau khi Luật được ban hành, công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống sớm phát huy hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản gồm 6 nghị định và 4 thông tư.

Đối với các nghị định do Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì chuẩn bị, Bộ đã khẩn trương thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, gửi lấy ý kiến của các địa phương, bộ ngành, tổ chức có liên quan, đồng thời tổ chức Hội nghị tại các vùng, miền để lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo Nghị định. Các thông tư đã được các cơ quan khẩn trương xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ được trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong tháng 5/2024, riêng đối với Nghị định về hoạt động lấn biển sẽ được trình trong tháng 3/2024 theo trình tự thủ tục rút gọn để có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác để trình cấp có thẩm quyền sớm nhất đảm bảo theo tiến độ./.

TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất