Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, từ năm 2014-2018, Học viện đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị cho 56.995 học viên.
Ngày 28/6, tại thành phố Đà Nẵng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội nghị.
Đào tạo cao cấp lý luận chính trị là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Mục tiêu của đào tạo cao cấp lý luận chính trị là củng cố bản lĩnh chính trị; trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược; kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; phương pháp luận khoa học...
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo phương châm cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn, đảm bảo được các tiêu chuẩn về tư tưởng, kiến thức, kỹ năng, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể làm việc hiệu quả trong môi trường hội nhập và hợp tác quốc tế.
Nội dung chương trình đào tạo của Học viện đã cập nhật được các quan điểm mới trong văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng và nghị quyết của các Hội nghị Trung ương khóa XII.
Phương pháp giảng dạy tích cực được được áp dụng trong toàn hệ thống góp phần thúc đẩy quá trình tự học tập, tự nghiên cứu của học viên. Công tác quản lý học viên được tăng cường, kỷ cương, kỷ luật học đường đã đi vào nền nếp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, với tinh thần đổi mới toàn diện công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước, hội nghị cần làm rõ hơn nhận thức đúng đắn về mục tiêu, yêu cầu của công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị; chú trọng đổi mới khung chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn; phương pháp giảng dạy hiện đại, chú trọng rèn luyện kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận tập trung vào các vấn đề như phối hợp về công tác lập kế hoạch và tuyển sinh, mở lớp; phối hợp trong công tác quản lý và kiểm soát hệ thống; phối hợp trong công tác thắt chặt kỷ cương, kỷ luật học đường đối với các lớp đặt ngoài cơ sở đào tạo và ngoài hệ thống Học viện; phối hợp với các đơn vị được giao quyền đào tạo thí điểm Cao cấp lý luận chính trị cho lực lượng trong ngành của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an…
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Trong giai đoạn 2014-2018, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chi Minh đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị cho 56.995 học viên./.
Nguyễn Sơn (TTXVN/Vietnam+)