Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế khiến việc triển khai Luật Quy hoạch chưa đạt tiến độ. Theo Bộ trưởng, những nguyên nhân của việc chậm trễ là do tư duy trong việc lập quy hoạch và quản lý nhà nước còn chậm được đổi mới, chưa muốn thay đổi theo yêu cầu của Luật Quy hoạch; nhất là việc trông chờ điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2020 để dễ thực hiện.
Những kết quả bước đầu
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước khi Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành vào năm 2017, cả nước có tới gần 20.000 bản quy hoạch khác nhau. Số quy hoạch nhiều nhưng thiếu sự liên kết, thậm chí là không thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng miền, dẫn tới nguồn lực không được tận dụng một cách hiệu quả nhất.
Với việc ban hành Luật Quy hoạch, Quốc hội và Chính phủ quyết tâm đổi mới công tác quy hoạch, theo hướng thống nhất, đồng bộ, tích hợp. Tuy vậy, việc lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, địa phương đang có sự chậm trễ nhất định. Khi chưa có quy hoạch, nhiều nơi gặp khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 2 năm, Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, bước đầu đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai công tác quy hoạch thời kỳ mới.
Việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 01/06 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập và trình thẩm định; các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp. Các bộ, ngành, địa phương đã bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể; thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thông thoáng.
Chất lượng quy hoạch cũng từng bước được cải thiện thông qua quy trình lập quy hoạch dựa trên cách tiếp cận tích hợp đa ngành và áp dụng các công nghệ tiên tiến; khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai Luật Quy hoạch gặp một số khó khăn. Trước hết đó là việc chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; vẫn còn sự chưa thống nhất với quy định của pháp luật về quy hoạch, gây khó khăn cho bộ, ngành, địa phương trong tổ chức lập, thẩm định quy hoạch.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lúng túng trong triển khai các quy định mới của Luật Quy hoạch, nhất là phương pháp lập quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành. Một thách thức nữa là tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tuy đã được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhưng còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn.
Ngoài ra, khó khăn cũng đến từ hạn chế của phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch. Thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch chưa được xây dựng đồng bộ để phục vụ cho việc lập quy hoạch thời kỳ mới.
Không những thế, do số lượng quy hoạch phải lập nhiều và phải được lập đồng thời, trong khi phương pháp làm mới, phức tạp, chưa có kinh nghiệm, cán bộ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục phức tạp, không lường hết được các khó khăn, nguồn lực cần thiết nên mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về triển khai thi hành Luật Quy hoạch là cao so với thực tiễn, dẫn đến không đạt được tiến độ.
Bộ trưởng Dũng cũng đề cập đến diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.
“Nguồn vốn cho công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, do vậy, nhiều quy hoạch phải chờ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở triển khai thực hiện…”, Bộ trưởng Dũng cho biết thêm.
Cần giải pháp thực hiện đúng, nhanh, chất lượng
Để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch, tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Các bộ, ngành tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Cùng với đó, ngay trong tháng 9/2021, các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và sắp xếp, phân bổ không gian theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong khi các quy hoạch cấp quốc gia chưa được lập và phê duyệt. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập quy hoạch thuộc trách nhiệm của ngành, lĩnh vực, địa phương mình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể theo tháng đối với từng giai đoạn của quá trình lập quy hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo dõi. Từ đó, bộ có cơ sở báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao cho các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ rà soát, trình Chính phủ sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền những quy định trong các văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, gây khó khăn trong việc lập quy hoạch của các địa phương, Việc sửa đổi căn cứ theo đề xuất, kiến nghị của các địa phương; đồng thời, cho phép sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để triển khai lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Đối với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước và quy hoạch vùng, Chính phủ cho phép các bộ, ngành có liên quan được lựa chọn tư vấn lập quy hoạch theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.
Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh, Chính phủ và các địa phương sẽ phải đánh giá cái gì làm được và cái gì chưa làm được, vì sao chậm, nguyên nhân tại sao, vướng mắc ở khâu nào. Cũng cần tập trung giải quyết vấn đề gì để đảm bảo tiến độ, chất lượng, sao cho các quy hoạch đưa ra phải là quy hoạch tốt nhất.
“Quan trọng nhất là phải xác định được nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là những người lãnh đạo đứng đầu. Khi có nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch thì chúng ta mới tổ chức thực hiện đúng nhanh và chất lượng. Các cấp, các ngành phải đổi mới tư duy trong việc lập quy hoạch. Phải có tầm nhìn mang tính chiến lược cho các quy hoạch để đảm bảo có sức sống dài hơn, cho sự phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
TTXVN