Từ ngày 28-30/9 vừa qua, tại Học viện Quốc phòng Australia ở thủ đô
Canberra đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Biển Đông trong an ninh
hàng hải rộng hơn của Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Khoảng 70 chuyên gia của Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ,
Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore đã tham dự hội
thảo này.
Hội thảo do Học viện Quốc phòng Australia, Học viện Ngoại giao Việt Nam
và Viện các vấn đề quốc tế Nhật Bản đồng tổ chức. Đoàn các chuyên gia
Việt Nam do Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng dẫn đầu đã tham
gia các phiên thảo luận tại hội thảo.
Trong 3 ngày diễn ra hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận
nhiều vấn đề như triển vọng chiến lược và địa kinh tế ở khu vực Ấn
Độ-Thái Bình Dương trước sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông; thế khó về
kinh tế và an ninh cho Đông Nam Á liên quan vấn đề Biển Đông; quan hệ
Mỹ-Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông; lợi ích quốc gia và vai trò của
những cường quốc chính và bậc trung trong vấn đề này; nhìn lại luật pháp
quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và phán
quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan); những thách thức và các
biện pháp thực thi để giảm thiểu xung đột hay giải quyết tranh chấp…
Đa số các học giả cho rằng trước những diễn biến thay đổi nhanh chóng ở
Biển Đông, cần liên tục đánh giá lại việc thực thi chiến lược của cuộc
tranh chấp giữa nhiều bên này, song cũng cần xem xét vấn đề địa kinh tế
vốn thường bị lãng quên mà cụ thể là mối quan hệ giữa chính sách kinh tế
và sự thay đổi về quyền lực quốc gia và địa chính trị trong bối cảnh
gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Một số học giả đã nêu ra những quan điểm, thách thức và tình huống khó
xử cho các bên mà cuộc tranh chấp ở Biển Đông gây ra như về lãnh thổ,
quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, thách thức
cho thương mại, viện trợ và đầu tư…, cũng như vai trò và sự đóng góp của
ASEAN trong tương lai.
Trước sự căng thẳng gần đây ở Biển Đông, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung
Quốc đã gây ra nhiều tranh cãi khi có những ý kiến cho rằng đây chủ yếu
là kết quả của “sự cạnh tranh sức mạnh lớn,” song cũng có thể là sự
cường điệu hóa chiến lược hay Mỹ bị miễn cưỡng lôi kéo vào do những cam
kết liên minh và lo ngại về tác động của sự bất ổn khu vực.
Ý nghĩa, tác động của mối quan hệ này đối với tranh chấp ở Biển Đông hay
ngược lại là sự tác động của cuộc tranh chấp này đối với các quan hệ
quyền lực lớn và tiến triển về quan điểm trong chính sách đối ngoại,
quốc phòng ở Mỹ và Trung Quốc… đã được các chuyên gia thảo luận sôi nổi.
Về vai trò của những nước nằm ngoài tranh chấp, một số diễn giả đã chỉ
ra những lĩnh vực mà các nước như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia có thể hỗ
trợ như về kinh tế, ngoại giao, quân sự, song đi kèm đó cũng có rất
nhiều yếu tố cản trở vai trò đơn phương hay tập thể từ những nước này.
Sau phán quyết của Tòa trọng tài tại La Hay về vụ kiện của Philippines
đối với Trung Quốc, hội thảo cũng đề cập nhiều đến lịch sử, vai trò pháp
lý, những điểm mạnh, điểm yếu của luật pháp quốc tế trước những yêu cầu
cụ thể cần thực thi trong khu vực Biển Đông.
Để giảm thiểu xung đột hay giải quyết tranh chấp, nhiều diễn giả cho
rằng cần phát triển những cách tiếp cận chính sách mang tính xây dựng và
khả thi nhất cho các nước tranh chấp và liên quan trong khu vực.
Liên quan chủ đề này, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về
những lựa chọn chính sách, cách tiếp cận mà các nước tuyên bố chủ quyền
có thể áp dụng, vai trò, sự đoàn kết trong ASEAN hay làm thế nào để các
cường quốc như Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản có thể góp phần hợp lý nhằm giảm căng
thẳng cũng như duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực này.
Tham dự hội thảo, giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng
Australia đã có bài tham luận đề cập đến tình hình Biển Đông sau phán
quyết của Tòa trọng tài tại La Hay, phản ứng của các bên liên quan, các
nước có tuyên bố chủ quyền cũng như ASEAN; trong đó nhấn mạnh đến vai
trò và những việc ASEAN có thể làm để góp phần giảm căng thẳng ở Biển
Đông.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, giáo sư Carlyle A.Thayer cho
rằng sau phán quyết của Tòa Trọng tài hồi tháng Bảy vừa qua, bất kể
Trung Quốc có chấp nhận hay không, các cường quốc hàng hải còn lại như
Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp, Liên minh châu Âu… đều thừa nhận
phán quyết đó nay như một phần của luật pháp quốc tế.
Tòa đã nói rất rõ rằng không có đảo đá nào ở Trường Sa mà Trung Quốc yêu
sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế với 200 hải lý và chỉ có
các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền với lãnh hải 12
hải lý và mọi tàu thuyền quân sự đều có quyền đi qua mà không bị cản
trở./.
(TTXVN)