Thứ Hai, 25/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Năm, 4/6/2015 23:11'(GMT+7)

Hội thảo quốc tế về các vấn đề biển và Công ước LHQ về Luật Biển

Ngày 4/6, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội, thông qua Chương trình Đối thoại Chiến lược EU - Việt Nam, tổ chức hội thảo quốc tế về “Các vấn đề biển và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS): Chia sẻ cách tiếp cận của Châu Âu và Châu Á đối với các tranh chấp lãnh thổ”.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực biển đến từ Liên minh châu Âu và châu Á, cùng hơn 140 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các cơ quan nghiên cứu học thuật và đại diện các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam.

Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn cho các chuyên gia, học giả và những nhà thực thi chính sách đến từ Liên minh châu Âu, Việt Nam và quốc tế trao đổi quan điểm, kinh nghiệm và các thực tiễn tốt nhất liên quan đến nhiều khía cạnh của các vấn đề biển. Hội thảo còn nhằm nâng cao hiểu biết của các đại biểu về các chức năng và cơ chế của UNCLOS, cũng như hợp tác của khu vực và hợp tác EU - Việt Nam trong các lĩnh vực biển.  

Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam mong rằng với tinh thần thẳng thắn, chân thành và cầu thị, hội thảo sẽ tạo diễn đàn để các bên quan tâm cùng làm rõ nhiều vấn đề, bao gồm những vướng mắc còn tồn tại trong cách nhìn nhận, lý giải và áp dụng luật biển quốc tế, để góp phần đưa ra những khuyến nghị giúp quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột, hướng tới một cách giải quyết thỏa đáng đối với các tranh chấp lãnh thổ, thúc đẩy hòa bình và hợp tác phát triển, “biến các vùng biển tranh chấp, biến Biển Đông thành các vùng biển hòa bình và hợp tác” trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.

Đại sứ Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: Liên minh châu Âu đã nêu rõ quan điểm của mình rằng một giải pháp dài hạn cho tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông cần phải được thực hiện thông qua đối thoại và đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Liên minh châu Âu đã có bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý khủng hoảng, ngăn ngừa xung đột và sẵn sàng hỗ trợ các bên liên quan. Dựa trên kinh nghiệm của mình, Liên minh châu Âu khuyến khích việc khai thác chung tài nguyên, tách vấn đề chủ quyền khỏi vấn đề khai thác kinh tế nhằm góp phần xây dựng lòng tin. An ninh và ổn định của Đông Nam Á là một điều kiện cần thiết để viết tiếp câu chuyện thành công của kinh tế khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á không nên để tranh chấp biển đe dọa đến an toàn trên biển, tự do hàng hải và hòa bình của các vùng biển lân cận.

Hội thảo phân tích nhiều khía cạnh liên quan đến các vấn đề biển của khu vực châu Âu và châu Á bao gồm: Quy chế pháp lý của thực thể biển từ góc độ thực tiễn hoạt động của các cơ quan tài phán và thực tiễn quốc gia; quy chế pháp lý của các vùng biển; các vấn đề an ninh biển như va chạm trên biển, chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, tìm kiếm cứu nạn, nhận thức về các vấn đề biển; hợp tác biển và quản trị đại dương, phân định biển và giải quyết tranh chấp.

Chương trình Đối thoại Chiến lược EU - Việt Nam là một chương trình ba năm (2013-2016) được tài trợ bởi Liên minh châu Âu nhằm hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam thông qua việc triển khai các hoạt động trong những lĩnh vực đã được nêu trong Thỏa thuận Đối tác và Hợp tác EU - Việt Nam.

Theo TTXVN

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất