Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đao các cơ quan phối hợp tổ chức; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật các tỉnh, thành phố và hơn một trăm đại biểu là các nhà khoa học, các nhà sáng tạo đoạt giải trong năm 2016 và các năm trước đây.
Quang cảnh Hội thảo
Đây là Hội thảo thường niên nhằm tôn vinh các nhà khoa học và các nhà sáng tạo thúc đẩy việc ứng dụng các công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (được tổ chức hàng năm) và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (tổ chức 2 năm một lần) vào sản xuất và đời sống . Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp và các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước; đồng thời cũng thể hiện rõ, là nơi gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm về việc áp dụng rộng rãi các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.
Theo báo cáo của Liên hiệp hội, trong 22 năm tổ chức Giải thưởng sáng tạo KHCN, đã có 2.359 công trình tham gia với 767 công trình đoạt giải và 27 năm với 14 lần tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT) toàn quốc đã có 5.150 giải pháp dự thi và 724 giải pháp đoạt giải, đánh dấu công sức, trí tuệ rất lớn của các nhà khoa học và các nhà sản xuất, trong đó có cả những công nhân, nông dân, người lao động, học sinh, sinh viên… trên cả nước. Điều đó, cũng cho thấy tiềm năng sáng tạo trong nhân dân ta là rất dồi dào, cần được phát huy nhiều hơn nữa.
Các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Hàng nghìn các nhà khoa học, các nhà sáng tạo được tôn vinh, nhiều tác giả vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều công trình xuất sắc được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO cấp Giấy chứng nhận và Huy hiệu.
Hội thảo tập trung đánh giá kết quả đạt được, và bàn luận một số nội dung: i) Hướng đổi mới, cải tiến công tác tổ chức Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi về các nội dung tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, cơ quan thường trực Ban Tổ chức, qui chế đánh giá, chấm giải, mức tiền thưởng . . . thúc đẩy phong trào mạnh mẽ và rộng rãi hơn. ii). Kinh nghiệm và biện pháp tổ chức triển khai việc ứng dụng rộng rãi các công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống. iii) Những kiến nghị với Nhà nước về chế độ, chính sách, cơ chế trong việc cho vay vốn, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những thành quả sáng tạo KH&CN đã đạt được trong những năm qua tại các Giải thưởng và Hội thi mà báo cáo của Liên hiệp hội đã trình bày, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung để các đại biểu quan tâm hơn:
Một là, tập trung thảo luận phương hướng đổi mới công tác tuyên truyền, giúp cho cấp ủy, chính quyền và mọi đối tượng hiểu biết nhiều hơn, sâu sắc hơn về Giải thưởng và Hội thi. Từ đó, tích cực ủng hộ, giúp đỡ chỉ đạo phong trào thi đua lao động, sáng tạo, tham gia tích cực Giải thưởng và Hội thi ngay từ cơ sở. Theo báo cáo của Liên hiệp hội, hiện nay vẫn còn một số bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố chưa thành lập Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật. Chúng tôi nghĩ, bất cập đó là do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa được phát huy đầy đủ.
Hai là, tập trung trao đổi những kinh nghiệm và biện pháp triển khai ứng dụng rộng rãi các công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống, giúp Ban Tổ chức Giải thưởng và Hội thi xác định các biện pháp, các nội dung tăng cường liên kết giữa các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học, sáng tạo với doanh nghiệpngay từ trong quá trình tham gia Giải thưởng và Hội thi cho đến quá trình chuyển giao, ứng dụng các giải pháp đoạt giải vào sản xuất và đời sống.
Ba là, tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện của đất nước, nhằm kiến nghị với Nhà nước về cơ chế trong việc hỗ trợ sáng tạo công nghệ. Trong đó, cần tập trung thảo luận các chính sách cho vay vốn nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải;chính sách đảm bảo quyền lợi chính đáng trong công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các giải pháp đoạt giải trong quá trình ứng dụng vào sản xuất;…tạo môi trường thuận lợi để cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng, và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình.
Bốn là, hiện Ban Tổ chức Giải thưởng tập trung vào các nội dung trọng tâm thuộc lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng, là những lĩnh vực rất quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững đất nước, tuy nhiên trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta nên suy nghĩ mở rộng hơn một số giải pháp công nghệ hướng vào nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá; những giải pháp giúp Nhà nước kiềm chế lạm phát; quản lý vĩ mô, sắp xếp lại nền kinh tế; ứng phó với biến đổi khí hậu và an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu các sản phẩm có thể sản xuất được ở trong nước… là những nội dung cần thiết góp phần tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia.
Nhiều ý kiến tham luận đã nêu rõ hơn các vấn đề đăt ra.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được tham quan một số mô hình STKT đoạt giải đang được ứng dụng có hiêu quả vào sản xuất và đời sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương và Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC đã tặng Kỷ niệm chương cho một số cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên giáo và xây dựng phát triển Quỹ VIFOTEC; tặng cờ thi đua của Liên hiệp hội cho mười đơn vị đoạt giải cao và ứng dụng hiệu quả các giải pháp đoạt giải vào sản xuất và đời sống trong năm 2016, triển vọng trong năm 2017.
PV