Thứ Sáu, 22/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 16/4/2024 18:44'(GMT+7)

“Hội tụ” để “lan tỏa” mạnh mẽ những thông điệp mang tầm thế kỷ

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận cuộc họp.

Chiều 16/4, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) (Ban Chỉ đạo). Cuộc họp do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và một số địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo cùng đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.

GẮN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔ CHỨC SỰ KIỆN VÀ THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

Theo báo cáo của Thường trực Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất sẽ được triển khai trên ba trụ cột, có sự gắn kết chặt chẽ, đó là các tuyến nhiệm vụ: 1) Nghiên cứu khoa học; 2) Các hoạt động, sự kiện; 3) Công tác thông tin, tuyên truyền. Từng tuyến nhiệm vụ đều được cụ thể hóa, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, thu hút sự tham gia của các cơ quan chủ chốt trong lĩnh vực VHNT.

Thứ nhất, đối với tuyến nghiên cứu khoa học, nội dung tổng kết bao gồm 5 nhiệm vụ khoa học, với sự tham gia của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức các hoạt động tọa đàm về những vấn đề then chốt; tiến tới tổ chức hội thảo ở từng lĩnh vực VHNT, trên cơ sở đó, sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025): những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”.

Đồng thời tập trung làm rõ các nhóm vấn đề như bối cảnh lịch sử, sự phát triển của nền VHNT Việt Nam 50 năm qua; quá trình vận động, thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra trên các phương diện cơ bản như đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; sáng tác, lý luận, phê bình, phương thức truyền bá VHNT; vấn đề giới thiệu, quảng bá VHNT Việt Nam ra nước ngoài và tiếp nhận VHNT nước ngoài ở Việt Nam; thực trạng, xu hướng phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ và công chúng của VHNT; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển VHNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

Thứ hai, về các hoạt động, sự kiện, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương sẽ phát động, tổ chức trong các cấp hội và hội viên cả nước sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT với chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”; lấy cảm hứng bao trùm là “non sông thống nhất”, từ đó cụ thể hóa, gắn với đặc trưng từng lĩnh vực nghệ thuật; phản ánh sâu sắc khí thế của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước. Tổ chức triển lãm, bình chọn, tôn vinh các tác phẩm VHNT tiêu biểu trong giai đoạn 1975-2025 có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chặng đường phát triển đáng tự hào qua nửa thế kỷ của nền VHNT Việt Nam.

Đặc biệt, trong dịp này sẽ có Hội nghị văn nghệ toàn quốc, tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu ở trong nước và nước ngoài. Tại Hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại; từ đó củng cố niềm tin, khát vọng cống hiến, cùng xác định tầm nhìn, tâm thế, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với tương lai đất nước và sự phát triển của VHNT nước nhà trong giai đoạn mới; tôn vinh những văn nghệ sĩ có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Dự kiến, trong khuôn khổ Hội nghị, tổ chức đoàn tàu thống nhất đưa các đại biểu ở trong nước và nước ngoài từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội; tổ chức đoàn đại biểu dâng hương báo công các Vua Hùng tại tỉnh Phú Thọ và nhiều hoạt động quan trọng khác.

Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu.

Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, trong đó trọng tâm là các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ tập trung phản ánh đậm nét nội dung, ý nghĩa, thành tựu của VHNT và vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà; tăng cường quảng bá các tác phẩm xuất sắc của nền VHNT Việt Nam nửa thế kỷ qua... Các báo, tạp chí về VHNT xuất bản ấn phẩm Xuân Ất Tỵ và số chuyên đề tháng 4/2025 về chủ đề 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất... Các nhà xuất bản tổ chức xuất bản mới hoặc tái bản các tác phẩm VHNT, công trình nghiên cứu tiêu biểu, xuất sắc 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

Kế hoạch chú trọng phát huy vai trò, tinh thần chủ động, sáng tạo của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Theo đó, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đảng ủy Công an Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương có một số nhiệm vụ như: 1) Tổ chức các hội thảo, tọa đàm tổng kết thành tựu và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực VHNT của ngành, địa phương trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; 2) Phát động và tổ chức sáng tác các tác phẩm VHNT về chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”; 3) Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, nguồn lực thúc đẩy phát triển VHNT của ngành, địa phương; 4) Chăm lo đời sống, tạo điều kiện làm nghề cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ cao tuổi, có nhiều công lao, cống hiến, đóng góp; 5) Tăng cường giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên trong các nhà trường; 6) Tổ chức triển lãm, biểu diễn nghệ thuật về chủ đề “50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất”; 7) Tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động tổng kết trên báo chí, trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin, cổ động trực quan, thông qua đội ngũ báo cáo viên và các ấn phẩm tuyên truyền của ngành, địa phương...

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, xây dựng Đề án tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất. Trong quá trình xây dựng Đề án, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức tọa đàm khoa học, đồng thời lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị liên quan.

 

TẬP TRUNG ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN VÀ SÂU SẮC NỀN VHNT VIỆT NAM SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo đã báo cáo công tác triển khai kế hoạch; nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm triển khai kế hoạch đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu nhấn mạnh, đây là một chủ trương lớn, được tập thể Ban Bí thư kết luận chỉ đạo, với nhiều hoạt động quan trọng, tập trung đánh giá toàn diện và sâu sắc nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất... Theo đó, yêu cầu đặt ra là các hoạt động phải bảo đảm tính thống nhất, hài hòa giữa nội dung tổng kết vầ mặt khoa học với công tác sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, công tác thông tin, tuyên truyền; tạo không khí phấn khởi, góp phần củng cố, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin của nhân dân với Đảng, với tiền đồ và tương lai của đất nước; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Theo Phó Thủ tướng, trước mắt, cần tiếp tục có sự thống nhất về mặt phương pháp triển khai kế hoạch, hoàn thiện bản đề cương tổng thể và có những tổng kết chuyên sâu ở từng chuyên ngành. Mục tiêu cuối cùng của việc triển khai Kế hoạch là đánh giá được nền VHNT sau ngày thống nhất đất nước đến nay, đánh giá thành tựu, chỉ rõ hạn chế và xác định giải pháp khắc phục; có thể phân chia từng giai đoạn phát triển và phải đặt bối cảnh phát triển trong tình hình chung của thế giới. Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nên chắp bút tổng kết và đây sẽ là bản tổng kết hết sức công phu, đồ sộ.

Đồng chí Trần Hồng Hà cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhưng quan trọng phải là chất liệu truyền thông. Vì vậy, phải gắn trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu lý luận, đảm bảo sự gắn kết giữa các khâu nghiên cứu, tổng kết, lý luận và truyền thông. Kế hoạch tổ chức thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung, bảo đảm tính khách quan, khoa học, biện chứng, bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và thực tiễn VHNT, có trọng tâm, trọng điểm và tính kế thừa, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; phát huy dân chủ, huy động đóng góp của các cơ quan, tổ chức khoa học, các chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong quá trình tổng kết...

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt Ban Bí thư Trung ương, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị liên quan đã đạt được trong thời gian qua.

Nhấn mạnh Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp này và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hơn trong quá trình triển khai Kế hoạch, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, sau khi Kế hoạch tổng kết được ban hành, đến nay, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan đã cơ bản hoàn thành việc ban hành kế hoạch tổng kết. Công tác thông tin, tuyên truyền và các hoạt động tổng kết theo Kế hoạch đã được chú trọng triển khai; bước đầu lan tỏa và thu hút được sự quan tâm lớn của các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là giới văn nghệ sĩ cả nước. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai các hoạt động tổng kết trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, các hoạt động tổng kết lần này có quy mô, tầm vóc và ý nghĩa to lớn, trực tiếp góp phần hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước; thiết thực triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Theo đó, trong quá trình triển khai Kế hoạch, phải thống nhất về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu của tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, gắn tổng kết này với các tổng kết quan trọng khác, trong đó có tổng kết Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...

Phát huy những kết quả cụ thể đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu sâu sắc mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức tổng kết theo Kế hoạch, quan tâm chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị liên quan phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tăng cường công tác phối hợp, triển khai tốt nhiệm vụ được giao. Trước mắt cần khẩn trương rà soát, hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực bảo đảm để tổ chức triển khai thực hiện; huy động hiệu quả, rộng rãi sự tham gia và đóng góp của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đảm bảo chất lượng các báo cáo khoa học, góp phần xây dựng báo cáo tổng kết trình Ban Bí thư; chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để tổ chức thành công Hội nghị văn nghệ toàn quốc tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất theo chỉ đạo của Ban Bí thư; tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng ở trong nước và quốc tế bằng các hình thức phong phú, sinh động về các hoạt động tổng kết, đồng thời tích cực đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; đảm bảo các hoạt động liên quan của địa phương không trùng thời gian với các sự kiện có ý nghĩa quốc gia...

Quang cảnh cuộc họp.

“Tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước là nhiệm vụ rất lớn; với các hoạt động phong phú, toàn diện, với tinh thần “nhìn lại” để “bước tiếp”. Ở tất cả các tuyến nhiệm vụ, đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ đều đóng vai trò nòng cốt. Đó thực sự là cuộc “hội tụ” của giới VHNT cả nước, để “lan tỏa” mạnh mẽ những thông điệp mang tầm thế kỷ, để cùng nhau chia sẻ quyết tâm cống hiến vì phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân...”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh./.

Tin, ảnh: THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất