Bà Gwendolyn Pang, tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Philippines cho biết, một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do bão là thành phố bờ biển Tacloban thuộc tỉnh miền trung Leyte, nơi những ước tính sơ bộ cho thấy đã có hơn 1.000 người thiệt mạng, khi nước dâng lên ngập hết thành phố. Bà nói: “Các nhóm cứu hộ Chữ thập đỏ của chúng tôi ước tính rằng hiện có tới hơn 1.000 thi thể đang trôi dạt khắp Tacloban. Còn ở Samar, có khoảng 200 người chết. Việc xác minh số liệu đang được tiến hành”.
Tuy nhiên, theo ước tính của nột quan chức chính phủ thì chỉ có khoảng hơn 100 người bị chết và hơn 100 người bị thương, tuy nhiên ông này thừa nhận là số người chết có thể sẽ còn tăng mạnh. Còn Bộ trưởng Năng lượng khi tới thị trấn Palo, cách Tacloban khoảng 10km bằng trực thăng, đã thừa nhận chỉ trong khu vực này đã có “hàng trăm” người chết.
Các nhân chứng cho hay các xác chết bọc trong các túi nhựa nằm la liệt trên đường phố Tacloban. Các kênh truyền hình cũng chiếu cảnh những chiếc xe ô-tô xếp chồng chất lên nhau. Các mảnh cột điện, cây cối, mái tôn và các mảnh gạch, vữa cũng vương vãi đầy trên đường.
Thậm chí, sân bay của thành phố cũng gần như bị phá hủy. Ông Efren Nagrama, giám đốc sân bay cho biết trong sân bay, mực nước ngập đã lên tới 4 mét. Tình trạng cướp bóc cũng đã diễn ra. Kênh truyền hình địa phương ABS-CBN đã chiếu cảnh cướp bóc tại một trong những khu thương mại lớn nhất thành phố. Toàn bộ hàng hóa tại trung tâm thương mại này đã bị cướp sạch.
Hình ảnh bão Haiyan chụp từ vệ tinh.
Thiếu tá Rey Balido, người phát ngôn của cơ quan thảm họa quốc gia, nói: “Hầu như mọi căn nhà đều đã bị hư hại, rất nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn. Chỉ còn một số ít ngôi nhà không bị thiệt hại”.
Ngoài những người thiệt mạng ở hai tỉnh trên, còn có ít nhất hai người bị chết ở hòn đảo du lịch nổi tiếng Cebu, ba người ở tỉnh Iloilo và ba người khác là thị trấn Coron thuộc tỉnh miền tây nam Palawan.
Ông Sebastian Rhodes Stampa, người phụ trách Nhóm Điều phối Đánh giá Thảm họa của LHQ được điều tới Tacloban, so sánh thiệt hại do cơn bão này gây ra với vụ động đất và sóng thần hồi năm 2004. Ông nói: “Lần cuối cùng tôi chứng kiến thiệt hại khủng khiếp như thế này là sau vụ Sóng thần ở Ấn Độ Dương. Sự tàn phá ở một mức độ khủng khiếp. Xe cộ bị gió thổi bay như những bụi cây khô và đường xá thì đầy những mảnh vỡ”.
Xe ô-tô và xe máy bị cơn bão quét ra cánh đồng.
Hiện các đội cứu hộ hiện vẫn đang vật lộn để tìm cách tiếp cận các khu vực xa xôi bởi đường xá hoặc đã bị phá hủy hoặc bị đất đã và cây đổ chặn đứng. Việc các bến tàu và sân bay ở miền trung Philippines vẫn bị đóng cửa cũng khiến cho việc vận chuyển hàng cứu trợ tới Tacloban gặp thêm nhiều khó khăn mặc dù đã có ba máy bay C-130 của quân đội tìm cách hạ cánh được xuống sân bay của thành phố này.
Được xếp vào loại “siêu bão” ở cấp 5 (theo xếp hạng quốc tế), ngày 9-11, Haiyan đã suy yếu xuống cấp 4. Mặc dù vậy, các chuyên gia dự báo thời tiết cho rằng nó sẽ mạnh trở lại khi đi qua biển Đông hướng vào Việt Nam. Chính quyền của 15 tỉnh ở Việt Nam đã bắt đầu kêu gọi các tầu thuyền ở ngoài khơi nhanh chóng tìm nơi trú ẩn. Theo tin từ website chính phủ, chỉ tính riêng hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, đã có gần 300 nghìn người dân được sơ tán tới nơi an toàn.
Chỉ tính riêng trong năm nay, bão Haiyan là cơn bão cấp 5 thứ hai mà Philippines phải gánh chịu sau cơn bão Usagi hồi tháng 9. Tính trung bình, mỗi năm có khoảng 20 cơn bão tấn công vào quốc gia này và bão Haiyan là cơn bão thứ 24 của năm nay. Năm ngoái, cơn bão Bopha đã san phẳng ba thị trấn ở tỉnh miền nam Mindanao, giết chết 1.100 người và gây thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD./.
Theo Nhân Dân