Thị trấn Sông Đốc, thuộc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) là cửa biển lớn nhất tỉnh Cà Mau, là thị trấn có đoàn tàu đánh bắt thủy sản lớn nhất cả nước (gần 3.000 chiếc) và là đơn vị hành chính có số ngư dân nhiều nhất cả nước (gần 25.000 người).
Chiều mùng 2 Tết, thị trấn Sông Đốc thật ồn ào, náo nhiệt, một phần do không khí Tết đang tràn ngập mọi nơi, một phần là do hơn 1.200 chiếc tàu đánh cá đang nhộn nhịp chuẩn bị ra khơi đầu năm vào sáng mùng 3 Tết.
Ông Trần Văn Vĩnh, chủ của ba chiếc tàu đánh cá ở thị trấn Sông Đốc cho biết theo kinh nghiệm trong nghề, thời điểm trước, trong và sau tết một tháng là lúc biển có nhiều tôm cá, khai thác lúc này thường sẽ cho nhiều sản lượng gấp đôi so với ngày thường, do vậy, đã có hơn 1.000 tàu đánh cá ăn tết trên biển. Họ ra khơi sau khi đưa ông Táo về trời, số còn lại sẽ tiếp tục khởi hành vào sáng mùng 3 cho tới mùng 9.
Ông Lưu Minh Nhật, chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời cho biết Sông Đốc vừa được công nhận là đô thị loại 4, là trung tâm kinh tế thủy sản không chỉ của huyện mà có vị trí kinh tế quan trọng của tỉnh Cà Mau.
Vì vậy chính quyền địa phương đã tập trung đầu tư cho Sông Đốc phát triển xứng tầm, trước hết là ưu tiên phát triển đoàn tàu đánh bắt xa bờ, tổ chức lại hoạt động của lực lượng ngư dân đi vào nề nếp, vừa khai thác thủy sản, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên biển.
Nhiều dịch vụ hậu cần phục vụ cho nghề cá được hình thành như dịch vụ đan vá lưới; sản xuất nước đá cây; nghề làm các sản phẩm thủy sản khô. Đặc biệt, Sông Đốc có nhiều nhà máy chế biến hàng thủy sản xuất khẩu hiện đại.
Như vậy, sau Tết Nguyên đán, toàn bộ đoàn tàu khai thác thủy sản ở thị trấn Sông Đốc sẽ rời đất liền, mang theo niềm tin năm mới sẽ đạt nhiều kết quả, tiếp tục cải thiện của sống của hơn 25.000 ngư dân và góp phần để thủy sản Cà Mau đạt tổng sản lượng 350.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD./.
(Trần Thành Nên/TTXVN)