Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy ngày 2/2 cho biết hơn 1.400 người di cư
đã được giải cứu ở Địa Trung Hải chỉ trong vòng 24 giờ, giữa lúc các nhà
lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng
đỉnh tại thủ đô Valletta của Malta vào ngày 3/2 để thảo luận về việc
ngăn chặn dòng người di cư từ Bắc Phi đến châu Âu.
Hơn 1.300 người di cư được giải cứu trong ngày 1/2 khi họ đang đi trên 13 chiếc xuồng tự tạo.
Khoảng 100 người khác, trong đó có 7 phụ nữ và 41 trẻ em không có người
thân đi cùng, được giải cứu vào rạng sáng 2/2. Số 100 người di cư này
không hề có áo phao cứu hộ khi phiêu lưu trên biển và họ chỉ dùng một
chiếc la bàn cũ kỹ để xác định phương hướng.
Những người di cư được cứu cho biết đi cùng họ còn có thêm nhiều chiếc
thuyền chở người di cư khác. Lực lượng cứu hộ hiện vẫn đang tìm kiếm
những chiếc thuyền bị mất tích này.
Chỉ riêng trong tháng 1/2017, các số liệu của Italy cho thấy khoảng
4.480 người di cư đã được cứu nguy ở Địa Trung Hải và được đưa đến nước
này. Trong khi đó, Liên hợp quốc cho hay hơn 220 người di cư đã bị thiệt
mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải.
Hiện công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh EU đang được tiến hành
khẩn trương ở Malta. Hội nghị dự kiến sẽ tập trung thảo luận cách thức
nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế
giới thứ 2 cũng như cuộc chiến chống những kẻ buôn người ở Libya.
Cùng ngày 2/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cam kết sẽ đóng cửa
tuyến đường di cư ở trung Địa Trung Hải, nối Libya với Italy, nhằm ngăn
chặn dòng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels sau cuộc gặp với Thủ tướng
Chính phủ đoàn kết Libya Fayez Serraj, ông Tusk cho biết việc đóng cửa
tuyến đường này là “trong tầm tay." Ông cũng nhấn mạnh EU và Libya có
chung lợi ích trong việc giảm bớt số lượng người di cư bất hợp pháp vốn
đang mạo hiểm sinh mạng của họ để tìm cách vượt Địa Trung Hải đến châu
Âu.
Hơn 181.000 người di cư và tị nạn, với đa số sử dụng Libya là điểm xuất
phát, đã đến EU trong năm 2016 thông qua tuyến đường biển ở trung Địa
Trung Hải.
Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) cho biết tuyến đường biển ở trung Địa Trung
Hải là tuyến đường chết chóc nhất đối với người di cư trong năm 2016,
với 4.576 người đã thiệt mạng trên tuyến đường này./.
(TTXVN)