Hơn 1 triệu người di cư đến châu Âu trong năm 2015 - con số đủ để cho
thấy “lục địa già” đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất
kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cuộc khủng hoảng cũng cho thấy Liên minh châu Âu (EU) dù đã nỗ lực hết
sức, song vẫn chưa tìm ra giải pháp căn bản và tổng thể nào để ngăn chặn
hiệu quả dòng người di cư, hiện đang không chỉ gây xáo trộn tình hình
kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh của toàn khu vực, mà còn đe dọa làm
tan rã chính tổ chức đang tồn tại nhiều bất đồng này.
Chủ đề người di cư bao trùm hầu hết các hội nghị thượng đỉnh của EU
trong năm 2015. Thậm chí, các nhà lãnh đạo EU còn phải tổ chức các hội
nghị thượng đỉnh riêng về chủ đề này với các bên liên quan như các nước
Balkan, châu Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Hàng loạt biện pháp được đưa ra, song dường như vẫn chỉ mang tính tạm
thời, đối phó, bởi làn sóng người di cư vẫn tiếp tục kéo về “lục địa
già.”
Trong hành trình tới “chân trời mới,” hơn 3.800 người đã bỏ mạng khi
lênh đênh trên những con thuyền mong manh giữa biển Địa Trung Hải.
Hy Lạp, cửa ngõ vào châu Âu, trở nên quá tải với hơn 770.000 người tị nạn đổ tới, cao gấp 21 lần so với năm 2014.
Đường hầm Channel giữa Anh và Pháp cũng luôn trong tình trạng hỗn loạn
bởi có thời điểm trong vòng một đêm có tới 2.000 người di cư tìm cách
trốn từ Pháp sang Anh qua đường hầm này.
Khủng hoảng di cư đã tạo ra gánh nặng kinh tế đối với hầu hết các quốc
gia thành viên EU, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công trong
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa được hóa giải.
Riêng nền kinh tế một số nước như Hy Lạp, Italy, Hungary... không chỉ
phải chia sẻ nguồn lực cho hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người tị nạn,
mà còn chịu thiệt hại nặng nề về doanh thu của ngành du lịch.
Việc tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn cũng đặt ra nhiều thách thức
trong vấn đề giải quyết chỗ ở, việc làm trong khi nạn thất nghiệp ở hầu
hết các nước Eurozone vẫn là bài toán hóc búa.
Trước làn sóng người di cư ồ ạt mang theo nhiều sự khác biệt về nhận
thức, tôn giáo và văn hóa, xã hội các nước EU cũng chịu tác động mạnh.
Tâm lý bài ngoại, chống người di cư... đang có xu hướng gia tăng ở nhiều
nước EU.
Theo giới phân tích, EU không được chuẩn bị về mặt văn hóa cho các biến
động đa chủng tộc. Do đó, sự gia tăng mạnh mẽ của phong trào cực đoan,
chủ nghĩa dân tộc, chống nhất thể hóa châu Âu và bài ngoại đang làm gia
tăng tâm lý bất an, gây xói mòn tính khoan dung và các bản sắc văn hóa
truyền thống của người dân châu lục.
Trong khi đó, chính sách của các chính phủ dường như chỉ đề cao lợi ích
kinh tế quốc gia mà coi nhẹ các giá trị cơ bản. Châu Âu không thiếu các ý
tưởng hoặc kế hoạch cho các tình trạng khẩn cấp, nhưng thiếu sức mạnh
tâm lý để có thể thoát khỏi tình trạng hiện nay.
Cuộc khủng hoảng người di cư trở nên phức tạp một phần là do các nước
châu Âu không nhất quán trong chính sách đối với người nhập cư. Do hậu
quả của quá trình già hóa dân số, một số nước, đi đầu là Đức, sẵn sàng
tiếp nhận người di cư nhằm dễ dàng tuyển chọn nguồn nhân lực, đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế đất nước.
Trong khi đó, các quốc gia khác như Italy, Hy Lạp và những nước vùng
Balkan (như Serbia, Hungary, Croatia) lại không muốn hứng chịu gánh nặng
này do lo ngại về an ninh và khó khăn kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, dòng người di cư muốn đến được các nước có nhu cầu tiếp nhận
phải đi qua những nước phản đối chính sách nhập cư, song các nước được
coi là “tuyến đầu” này kiên quyết đóng cửa biên giới, tạo ra cảnh hỗn
loạn và bất ổn ngày càng gia tăng, thậm chí nhiều nơi đã xảy ra bạo lực.
Việc một số nước ngăn chặn người di cư trên tuyến đường bộ giữa Thổ Nhĩ
Kỳ và Hy Lạp đã thôi thúc người di cư vượt Địa Trung Hải đến “miền đất
hứa” và các thảm cảnh trên biển liên tục xảy ra.
Áp lực từ làn sóng di cư cũng khiến bất đồng chính trị trong nội bộ EU
ngày càng sâu sắc. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng người di cư đang làm
lung lay tinh thần đoàn kết của EU.
Việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho các nước thành viên
cũng như biện pháp cụ thể xử lý cuộc khủng hoảng khiến nội bộ EU chỉ
trích lẫn nhau.
Trong khi Hungary, Slovakia buộc phải sử dụng các biện pháp cứng rắn để
ngăn chặn và giảm bớt sự hỗn loạn do dòng người di cư gây ra thì Đức và
một số nước lại chỉ trích cách làm này. Thậm chí, cuộc chiến pháp lý
cũng bùng nổ giữa EU và Hungary khi hai bên khởi kiện nhau liên quan tới
hướng giải quyết vấn đề người di cư.
Giới phân tích lo ngại rằng EU sẽ quay trở về thời kỳ các nước xây dựng
hàng rào và tường ngăn ở biên giới nếu các nước thành viên không thể đạt
được sự đồng thuận về các vấn đề lớn như quy trình tiếp nhận, phân bổ
và thành lập các trung tâm tị nạn chung.
Thậm chí, do lo ngại về hiểm họa chủ nghĩa khủng bố xâm nhập vào châu Âu
thông qua con đường nhập cư, EU đã có lúc phải tính đến việc tạm dừng
áp dụng Hiệp ước Senghen (miễn thị thực giữa các thành viên).
Từ sau vụ khủng bố đêm 13/11 tại Paris, các nhà lãnh đạo châu Âu càng tỏ ra "lạnh nhạt" hơn với vấn đề người nhập cư.
Tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm 2015, EU đã nhất trí thành
lập một cơ quan bảo vệ biên giới trên biển và trên bộ chung của khối
nhằm đối phó với dòng người di cư từ ngoài liên minh. Tuy nhiên, vấn đề
kinh phí hoạt động cho lực lượng này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và
sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo trong năm 2016.
Trong bối cảnh tình trạng xung đột, hỗn loạn và vô chính phủ ở một số
nước Trung Đông-Bắc Phi sau cái gọi là "mùa xuân Arab" mà Phương Tây
từng góp phần cổ súy, cùng với sự lớn mạnh và bành trướng của tổ chức
Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan
khác, vẫn chưa được giải quyết, dòng người di cư từ các nước này vẫn như
cơn “đại hồng thủy” kéo về “lục địa già.”
Vì thế, vấn đề người di cư sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với châu Âu
trong năm 2016. Và để giải quyết được cuộc khủng hoảng này, cộng đồng
quốc tế cần hợp sức, có những biện pháp đồng bộ để giải quyết tận gốc rễ
vấn đề là chấm dứt tình trạng bạo lực, chiến tranh tại chính quê hương
của những người di cư./.
(TTXVN)