Theo đó, 15.140 phạm nhân sẽ được ra tù trước thời hạn vào ngày 17/1. Trong tổng số người được đặc xá lần này có 36 phạm nhân người nước ngoài.
Tại cuộc họp báo, ông Giang Sơn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định, đặc xá thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Đặc xá ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy chế của phạm nhân. Quá trình đặc xá được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng và đúng quy định.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn nhấn mạnh: “Chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với những người phạm tội là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với cải tạo. Hình phạt mà Nhà nước Việt Nam áp dụng không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới”.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho biết, với hơn 15.000 phạm nhân được đặc xá, đây là đợt đặc xá lớn nhất từ trước đến nay. Trả lời câu hỏi “làm thế nào để giúp người được đặc xá tái hoà nhập cộng đồng”, ông Lê Thế Tiệm cho biết: “Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương cũng như Chính phủ đã điện cho các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhân dân cũng như thân nhân những người được đặc xá không được định kiến, không phân biệt đối xử đối với người được đặc xá, tạo điều kiện cho họ đăng ký hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, tạo việc làm cho họ”.
Theo Thứ trưởng Lê Thế Tiệm, trong lần đặc xá này có hơn 270 người phạm tội liên quan đến tham nhũng với tổng số tiền nộp phạt khoảng 10 tỷ đồng. Trong số 36 phạm nhân nước ngoài được đặc xá, chiếm số lượng lớn nhất là phạm nhân mang quốc tịch Trung Quốc. Số còn lại mang quốc tịch Hàn Quốc, Anh, Pháp, Lào, Malaysia, Campuchia, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc)./.
VOVNews