Chiều 20/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33), tổ chức họp để báo cáo tổng quan về hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh (gọi tắt là chất da cam/dioxin); đồng thời đánh giá kết quả các hoạt động khắc phục trong năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có hơn 200.000 người đã tham gia kháng chiến có tiền sử phơi nhiễm chất da cam/dioxin, mắc một số căn bệnh thuộc danh mục bệnh, bệnh tật được Viện hàn lâm Y học Mỹ xác nhận, có liên quan đến dioxin được hưởng trợ cấp hàng tháng của Chính phủ.
Bên cạnh đó, còn có hàng triệu lượt nạn nhân khác cũng được hệ thống tổ chức của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức từ thiện nhân đạo trong và ngoài nước giúp đỡ, thông qua các hoạt động khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, cải thiện đời sống kinh tế và tinh thần. Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã trở thành phong trào thường xuyên và hiệu quả có quy mô toàn quốc tại Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được những trung tâm hay bệnh viện chuyên nghiên cứu và chữa trị bệnh tật cho nạn nhân da cam/dioxin. Hầu hết các nạn nhân này được chữa trị tại các bệnh viện đa khoa ở các cấp, nên hiệu quả điều trị hạn chế, công tác nghiên cứu khoa học về bệnh tật của các nạn nhân cũng hạn chế. Tuy vậy trong tháng Chín vừa qua, Bệnh viện 103 thuộc Học viện Quân y đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học, kết hợp với dự án nhân đạo nhằm thực hiện giải độc không đặc hiệu bằng xông hơi kết hợp với dầu ôliu và vitamine. Các bệnh nhân được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kể cả phân tích dioxin trong máu. Kết quả thu được là nhiều bệnh nhân được cải thiện rất rõ ràng về sức khoẻ và bệnh tật.
Đại học Y Hà Nội cũng đã hoàn thành dự án đề tài nghiên cứu về tình hình tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh, tại một số vùng phun rải chất da cam/dioxin trong chiến tranh. Mặt khác chuẩn bị triển khai dự án tư vấn trước sinh và thực hiện các biện pháp phòng chống dị tật bẩm sinh tại các vùng ô nhiễm nặng. Riêng Hội phục hồi chức năng đã thực hiện thành công dự án hỗ trợ người khuyết tật tại một số vùng có nhiều nạn nhân chất độc da cam. Tại Thái Bình, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vẫn triển khai chương trình giúp đỡ nạn nhân tại các tỉnh nghèo, đặc biệt là vùng Tây Nguyên.
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tư lệnh hóa học với sự điều phối của Ban Chỉ đạo 33 đã kết hợp với Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ, một số công ty Mỹ nghiên cứu thử nghiệm các phương pháp xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng.
Qua đó, đã lựa chọn phương pháp chôn lấp tích cực (chôn lấp đơn thuần kết hợp với vi sinh vật) đã đựơc triển khai tại một phần thuộc khu chôn lấp đất nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa; phương pháp thử nghiệm, xử lý dioxin bằng vi sinh vật đã được tiến hành tại Đà Nẵng; phương pháp hấp giải nhiệt được Công ty CDM (Mỹ) nghiên cứu đề xuất và được Bộ Quốc phòng và USAID quyết định ứng dụng xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Kết quả đã tiến hành chôn lấp đơn thuần và chôn lấp tích cực 100.000m3 đất nhiễm dioxin trên diện tích 4,3ha trong sân bay Biên Hòa, với tổng chi phí 75 tỷ đồng.
Riêng dự án "Xử lý dioxin tại các vùng nóng" do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, đã chôn lấp an toàn hơn 6.000m3 đất nhiễm dioxin được nghiệm thu đánh giá tốt.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tích cực triển khai thực hiện dự án trồng 5 triệu hecta rừng tại các vùng bị rải chất độc hóa học. Từ năm 2002 đến năm 2007 đã trồng được 96.253ha rừng.../.
Theo TTXVN