Bộ Công an vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Dự thảo Nghị định bao gồm 5 chương, 30 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, các hành vi bị nghiêm cấm; bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ và chế độ, chính sách đối với người thi hành công vụ, người trực tiếp tham gia ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Dự thảo cũng quy định về các biện pháp phòng ngừa hành vi chống người thi hành công vụ như tham mưu, đề xuất chính sách, pháp luật, biện pháp; thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, quy trình, quy chế, kế hoạch công tác; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp…
Theo số liệu thống kê, báo cáo của các bộ, ngành có liên quan, từ năm 2002 đến tháng 6 năm 2012 cả nước đã xảy ra 8.513 vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng. Trong đó, trên 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng Công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở.
Theo Bộ Công an, thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, ở hầu khắp các địa phương, trên rất nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý đất đai, giải quyết mặt bằng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ, tài sản của Nhà nước; thể hiện thái độ coi thường pháp luật, bất chấp sự ngăn chặn, trấn áp của những người được giao nhiệm vụ thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân của tình trạng chống người thi hành công vụ nêu trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chưa có quy định của pháp luật một cách đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ là yêu cầu cấp thiết hiện nay./.
(VOV Online)