Ngày 9/12, tại Hà Nội, hơn 800 biên tập viên đầu tiên của các nhà xuất bản trong cả nước được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp chứng chỉ hành nghề.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho biên tập viên các nhà xuất bản góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ này.
Bên cạnh đó, việc cấp, thu hồi chứng chỉ sẽ góp phần sàng lọc đội ngũ biên tập viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần đảm bảo chất lượng, nội dung xuất bản phẩm đúng định hướng, tuân thủ các quy định của pháp luật, mang đến cho xã hội nhiều xuất bản phẩm có giá trị.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn hy vọng sau khi nhận được chứng chỉ, các biên tập viên nêu cao hơn nữa trách nhiệm với công việc, với mỗi sản phẩm và toàn xã hội để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm hay, hấp dẫn và có giá trị.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết để quản lý chứng chỉ hành nghề của đội ngũ biên tập viên đạt hiệu quả, giám đốc, tổng biên tập các nhà xuất bản cần phối hợp giám sát việc hành nghề của biên tập viên, phát hiện kịp thời sai phạm, chủ động đề xuất thu hồi chứng chỉ nếu biên tập viên để xảy ra vi phạm nghiêm trọng về nội dung.
Các nhà xuất bản cũng cần tuân thủ nghiêm quy định biên tập viên chưa tham gia lớp học, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề không được biên tập cũng như đứng tên trên xuất bản phẩm.
Triển khai Luật Xuất bản năm 2012, thực hiện các quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức khóa “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản và nghiệp vụ biên tập,” hai năm qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phối hợp với Trường Đào tạo-Bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông tổ chức 11 lớp bồi dưỡng kiến thức cho 1.144 lãnh đạo, trưởng bộ phận biên tập và biên tập viên các nhà xuất bản.
Hiện nay, có 62/63 nhà xuất bản với 841 hồ sơ trên tổng số 1.132 học viên đã hoàn thành khóa bồi dưỡng cấp chứng chỉ hành nghề biên tập./.
Theo TTXVN