(TG) - Ngày 15/12/2017, tại Hà Nội, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thành viên và Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP) tổ chức Hội nghi tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam.
Chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực UBATGTQG. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và lãnh đạo ban an toàn giao thông của 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc; lãnh đạo các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam: Tổ chức Y tế thế giới (WTO), Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP), Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP), Quỹ FIA cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và thành phố Hà Nội.
Hội nghị là cơ hội để Uỷ ban ATGTQG và tất cả các bộ ngành và các địa phương trên cả nước cùng nhau đánh giá toàn diện những thành tựu đã đạt được, bài học kinh nghiệm và những thách thức sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về thực trạng việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông và những vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ bảo hiểm giả. Đây cũng là dịp để trao đổi và định hướng những nhiệm vụ tiếp theo với mục tiêu nâng cao hiệu quả của thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm để tiếp tục giảm thiểu số ca bị thương và tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Theo ông Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGTQG cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đến nay đã đạt được hơn 90%, điều đó đã góp phần quan trọng trong kết quả kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới con số 9.000 người mỗi năm như hiện nay, đồng thời cũng đã giúp hạn chế những thương tích nặng, đặc biệt là những ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông gây ra đối với người đi mô tô, xe máy.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện nay còn thấp, ở mức 35-40%, bên cạnh đó vấn đề sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ kém chất lượng, mũ giả, mũ nhái kiểm dáng mũ bảo hiểm vẫn còn rất phổ biến, những điều đó đặt ra cho chúng ta phải tiếp tục thực hiện những giải pháp cấp cách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trong thời gian tiếp theo.
|
Tỷ lệ người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm
khi tham gia giao thông đến nay đã đạt được hơn 90% (Ảnh minh họa) |
Nhân sự kiện này, Quỹ AIP và Quỹ FIA giới thiệu báo cáo nghiên cứu độc lập toàn diện về quá trình 10 năm triển khai các hoạt động liên quan tới mũ bảo hiểm tại Việt Nam. Báo cáo này thực tiễn về chiến dịch đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy có đến 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ sự gia tăng của việc đội mũ bảo hiểm trong 10 năm qua. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng đánh giá số liệu được thu thập tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Hải Dương, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng đã giảm từ 21% năm 2007 xuống 13.6% năm 2016.
Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ AIP cho biết: "Câu chuyện ở Việt Nam là một minh chứng cho mọi vấn đề đều có thể thực hiện được nếu có sự quyết tâm từ phía chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhà nước và tư nhân cùng phấn đấu cho những mục tiêu chung. Với những nỗ lực phối hợp, hệ thống luật chặt chẽ và sự ủng hộ của chính quyền địa phương cùng các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn toàn có thể thành công".
Phát biểu chị đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể khẳng định: Vấn đề ATGT được chính phủ quan tâm rất sớm từ giữa những năm 90. Tuy nhiên, kể từ khi có Nghị quyết 32 của Chính phủ năm 2017 quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, tình hình ATGT đã có chuyển biến rõ rệt. Tỉ lệ đội mũ bảo hiểm đã tăng từ 30% lên trên 90%. Đồng thời quy định đội mũ bảo hiểm đã ngăn ngừa 29.000 trường hợp chấn thương sọ não, tiết kiệm được 31triệu USD thu nhập đáng lẽ bị mất, và giảm được 2.200 người chết trong vòng một năm sau khi thực hiện quy định. Điều này cho thấy rõ chính sách đúng đắn của việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, góp phần bảo vệ cuộc sống.
Nhằm đảm bảo quy định đội mũ bảo hiểm đạt được tối đa tác dụng bảo vệ con người, ngoài các yếu tố quan trọng khác, đồng chí Nguyễn Văn Thể đề nghị quan tâm đến những vấn đề: Sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm phải đạt chất lượng; thực thi hiệu quả quy định đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng; nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn mũ bảo hiểm do Liên Hợp Quốc khuyến cáo và xây dựng một lộ trình phù hợp để đạt tiêu chuẩn này.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, bây giờ là thời điểm cần triển khai rộng khắp các biện pháp đảm bảo ATGT có hiệu quả. Việt Nam cần xây dựng và triển khai chính sách đảm bảo ATGT tổng thể, đặc biệt tập trung vào một số vấn đề sau: Xây dựng và áp dụng một hệ thống pháp luật toàn diện nhằm giải quyết những nguy cơ chính đối với ATGT như không sử dụng dây an toàn, ghế an toàn cho trẻ em trong ô tô, không sử dụng mũ bảo hiểm, uống rượu bia và lái xe, vi phạm quy định về tốc độ, sao lãng khi lái xe; Tăng cường sự phối hợp giữa các đối tác và các ngành trong công tác bảo đảm ATGT; Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông an toàn; Áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia đối với phương tiện cơ giới đường đi bộ và người đi xe đạp; Tăng cường dịch vụ cấp cứu y tế và ứng phó sau tai nạn giao thông. Qua đó cùng chung tay hành động để xây dựng một Việt Nam nơi mọi người được đi lại trong một môi trường giao thông sạch và an toàn./.
Duy Phong