Cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã đẩy châu Âu vào tình trạng hỗn loạn và bế tắc trong năm 2015. Nhiều hội nghị cấp bộ trưởng và cấp cao của Liên hiệp châu Âu (EU) được tiến hành khẩn cấp, nhiều “đê chắn sóng” được đưa ra song vẫn không ngăn được dòng thác người tị nạn ùa vào “lục địa già”. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng di cư còn khiến khu vực Sen-ghen đứng trước nguy cơ tan vỡ và hé lộ những bất đồng khó hóa giải của EU, một liên minh tưởng chừng bền vững này.
Đối phó khủng hoảng: "Mạnh ai nấy làm"
Châu Âu đang chao đảo trước cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua với phần lớn người tị nạn đến từ Li-bi, Xy-ri và các nước khác ở Trung Đông, Bắc Phi. Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), từ đầu năm 2015 đến nay, dòng người tị nạn tới châu Âu bằng đường biển đã lên tới 800.000 người, gấp bốn lần năm 2014. Rủi ro trên hành trình di cư trái phép khiến khoảng 3.400 người đã bỏ mạng và hàng nghìn người khác mất tích trên Địa Trung Hải khi cố chen chúc nhau trên những con thuyền cũ kỹ và ọp ẹp của bọn buôn người để tìm đến “miền đất hứa” ở trời Âu. Theo Cơ quan biên giới EU (Frontex), hàng trăm nghìn người di cư đã tràn vào EU bằng đường bộ qua Ma-xê-đô-ni-a, Xéc-bi-a, Bô-xni-a Héc-xê-gô-vi-na, An-ba-ni, Môn-tê-nê-grô khiến gần 40% số người dân EU coi nạn nhập cư là mối quan ngại lớn nhất. Liên hợp quốc dự báo, cơn lũ người tị nạn và di cư tràn vào châu Âu sẽ vượt một triệu người trong năm nay và dự báo tăng lên ba triệu người vào năm 2016.
Dòng người tị nạn tràn qua biên giới đã khiến nhiều quốc gia bất lực và đẩy châu Âu vào tình trạng “rối như canh hẹ” trong việc giải quyết vấn đề này. Dù EU kêu gọi không đóng cửa biên giới với người tị nạn và có một chính sách chung nhưng các nước đều “mạnh ai nấy làm”. Ma-xê-đô-ni-a phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa biên giới để đối phó dòng người tị nạn tràn vào từ Hy Lạp. Tuy nhiên, hàng nghìn người tị nạn biến trẻ nhỏ và phụ nữ có thai thành “lá chắn sống” để thâm nhập lãnh thổ Ma-xê-đô-ni-a, từ đó tìm đường tới Đức, Áo, Thụy Sĩ. Hung-ga-ri đã xây dựng một hàng rào thép gai cao 4 m dài 175 km dọc biên giới với Xéc-bi-a và đóng cửa biên giới với Crô-a-ti-a. Bun-ga-ri, Xéc-bi-a và Ru-ma-ni tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới và cảnh báo không cho phép khu vực Ban-căng trở thành vùng đệm cho người di cư bị mắc kẹt.
Hàng loạt hội nghị cấp bộ trưởng và cấp cao khẩn cấp của khối đã được tổ chức trong năm qua tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư, nhưng đến nay 28 quốc gia EU cùng các đối tác vẫn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” về việc tiếp nhận 160.000 người tị nạn. Kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) soạn thảo chia hạn ngạch cho mỗi nước dựa trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dân số, tỷ lệ thất nghiệp... Tuy nhiên, dù nhất trí chia sẻ gánh nặng với các nước tuyến đầu là Hy Lạp, Hung-ga-ri và I-ta-li-a, song Anh, Pháp và các nước Ban-căng vẫn phản đối về mức phân bổ người tị nạn. Thậm chí Xlô-va-ki-a còn tuyên bố sẽ kiện lên Tòa án Công lý EU về quyết định này, với lý do mức phân bổ không hợp lý. Hiện chưa có biện pháp nào liên quan hạn ngạch tiếp nhận người di cư được triển khai. Trong khi đó, các nước EU mới chỉ đóng góp khoảng 500 triệu ơ-rô trong tổng số 2,8 tỷ ơ-rô cam kết cho các tổ chức quốc tế và các quỹ hỗ trợ người tị nạn. Kế hoạch 17 điểm của các nhà lãnh đạo EU nhằm giải quyết dòng người di cư đang đổ về “lục địa già” thông qua cửa ngõ Hy Lạp được xem là “đê chắn sóng” mới giúp EU ngăn chặn "dòng lũ" người tị nạn. Tuy nhiên, giải pháp này được cho là mang tính cục bộ, cấp bách, chưa thể là lời giải thấu đáo cho bài toán nhập cư đang trở thành gánh nặng ngày càng lớn với các quốc gia châu Âu.
Trong khi chưa có giải pháp chung, châu Âu vẫn đang giải quyết vấn đề theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Do vậy, với EU, bài toán nhập cư không chỉ nan giải ở góc độ kinh tế, việc làm và an ninh, mà còn đặt ra những vấn đề thuộc về thể chế của khối này. Tranh cãi cho một giải pháp được cả lý và tình có lẽ vẫn sẽ là câu chuyện chưa có hồi kết đối với “lục địa già”, dù Đức và Pháp kêu gọi thống nhất lập trường chung trong EU về giải quyết vấn đề người tị nạn.
Quả đắng của “mầm dân chủ”
Trong bối cảnh nền kinh tế còn ốm yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn nạn người nhập cư đang trở thành “họa vô đơn chí” khiến các nước EU phải nếm “quả đắng”. Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu đang đặt ra nhiều bài toán về kinh tế đối với khu vực này, khi dòng người di cư kéo theo các khoản chi ngân sách lên tới hàng tỷ USD mà chính phủ các nước phải bỏ ra. Với Hy Lạp, việc phải đón nhận dòng người tị nạn khổng lồ tạo nên gánh nặng tài chính trong bối cảnh nước này lâm vào khủng hoảng nợ. Đức phải dành 6 tỷ ơ-rô để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn trong năm nay và hai năm tới sẽ lần lượt lên đến 10 tỷ ơ-rô và 12 tỷ ơ-rô. Pháp cũng phải chi tiêu một khoản bổ sung 300 triệu ơ-rô cho người tị nạn. Những khoản chi ngân sách lớn đột xuất như trên được cho là sẽ ảnh hưởng quá trình tái cơ cấu kinh tế và ngân sách hoặc mức xếp hạng tín nhiệm của một số nước EU.
Làn sóng nhập cư không chỉ bào mòn phúc lợi xã hội của khối mà còn gây ra các nguy cơ an ninh lớn với châu Âu trong bối cảnh các phần tử khủng bố trà trộn theo dòng người nhập cư tràn vào châu lục và trở thành “bom nổ chậm” tại đây. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự LB Đức, trong ba quý đầu năm 2015, số vụ tiến công vào các cơ sở dành cho người tị nạn lên tới 505 vụ, trong đó 461 vụ mang động cơ chính trị cực đoan. Loạt vụ xả súng và đánh bom đẫm máu xảy ra tối 13-11 ở Pa-ri (Pháp) làm 130 người chết, 350 người bị thương là hồi chuông khẩn cấp cảnh báo về sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố nấp sau làn sóng người di cư. Các nhóm khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, không hề che giấu âm mưu phát triển những "mầm mống" của IS ra toàn thế giới, kể cả châu Âu. Khi làn sóng nhập cư gia tăng, một vấn đề lớn đang đặt ra là các thảm họa nhân đạo cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Bộ trưởng Ngoại giao Áo X.Cua-dơ xác nhận, cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra đối với toàn châu Âu và khu vực Tây Ban-căng khi nhiều trại tị nạn cho người nhập cư đã quá tải.
Bên cạnh đó, không gian tự do đi lại Sen-ghen, vốn được coi như biểu tượng của một EU thống nhất, đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng ơ-rô (Eurogroup) đề xuất thành lập "Sen-ghen thu nhỏ" ở khu vực lõi của châu Âu với sự tham gia của Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Áo và Bỉ. Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ kêu gọi các nước EU phải dũng cảm tiến về phía trước trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, thay vì can dự hạn chế hoặc khoanh tay đứng nhìn như hiện nay. Thậm chí ông Ô-lăng-đơ còn cho rằng, nếu EU không kề vai sát cánh trước các thách thức hiện nay, đây sẽ là dấu hiệu kết thúc của liên minh này.
Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa châu Âu là tình trạng bất ổn gia tăng tại các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, khiến châu Âu trở thành nơi “đất lành chim đậu” của người nhập cư. Tuy nhiên, nếu xét theo mối quan hệ nhân-quả, có thể thấy, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nói trên chính là việc EU đã từng cùng với Mỹ tạo nên những cơn địa chấn mang tên “Mùa xuân A-rập” ở Trung Đông, Bắc Phi. Các cuộc “cách mạng hoa nhài” được EU, Mỹ hậu thuẫn với mục tiêu “gieo mầm dân chủ” kiểu phương Tây ở một loạt quốc gia như Li-bi, Ai Cập, Xy-ri... đã đẩy nhiều nước vào cảnh bạo loạn và góp phần tạo nên làn sóng di cư ồ ạt hôm nay. Cần phải nhìn nhận rằng, EU dường như đã “nhắm mắt làm ngơ” trước tình hình xung đột diễn ra tại Xy-ri trong suốt bốn năm qua, trong khi không có chính sách chung để đối phó nguy cơ khủng hoảng về tị nạn và nhập cư. Hy vọng rằng, làn sóng nhập cư bắt nguồn từ những “cơn bão cách mạng dân chủ” nêu trên sẽ giúp EU nói riêng và phương Tây nói chung rút ra “bài học xương máu” và trong tương lai, các nhà lãnh đạo phương Tây cân nhắc nhiều hơn khi ra quyết định can thiệp vào các quốc gia khác dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền.
Thủ lĩnh nhóm chính trị Liên minh Tự do Dân chủ tại Nghị viện châu Âu, nguyên Thủ tướng Bỉ G.Vơ-hốp-xtát từng nhận xét rằng: “Trước cuộc khủng hoảng di cư, EU phản ứng như một con thỏ bị lóa mắt trước ánh sáng đèn pha”. Thực tế này đòi hỏi các nước châu Âu phải phản ứng tích cực và chủ động hơn để giải quyết vấn đề người tị nạn trong năm 2016. Nếu không thống nhất, đoàn kết và phối hợp hành động có trách nhiệm, EU khó thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng di cư hỗn loạn và bế tắc hiện nay.
Bích Hạnh/Nhân dân