Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 2/6/2018 22:11'(GMT+7)

Họp báo Chính  phủ tháng 5: Nhiều nội dung “nóng”



Về những sai phạm nêu trong Thông báo Kết luận của Ủy ban Trung ương mới đây
Trước diễn biến mới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ra Thông báo Kết luận về sai phạm của Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Trần Bắc Hà được đánh giá là rất nghiêm trọng đồng thời chỉ ra trong sai phạm này có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, phóng viên đã đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước về việc sẽ thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như thế nào?

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: NHNN sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Kết luận, chỉ đạo này sẽ giúp BIDV, NHNN cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, tổ chức, hoạt động của ngân hàng để làm sao hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh hơn và góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Cũng liên quan đến Kết luận của Ủy ban Trung ương về sai phạm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong vụ việc AVG, đánh giá là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng phóng viên báo Tuổi trẻ có đặt lại vấn đề về việc trước đây, Bộ TT&TT có văn bản kiến nghị, giải trình cho rằng vụ việc không gây thất thoát tài sản cho Nhà nước. Vậy đại diện Bộ TT&TT có ý kiến gì về điều này?

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trả lời: Về nguyên tắc khi có kết luận thanh tra thì cơ quan, đối tượng thanh tra có quyền có văn bản kiến nghị, giải trình. Giải trình nhiều nhưng trong lúc đó Bộ quan niệm AVG và Mobifone đã có thoả thuận với nhau là AVG sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền trước đây Mobifone đã bỏ ra mua các cổ phần chuyển nhượng của AVG, đồng thời có cam kết tính cả lãi theo quy định. Bộ quan điểm như vậy nên cho rằng không thất thoát. Tuy nhiên, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận như vậy thì Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ TT&TT sẽ tuân thủ, thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước – dường như chững lại?
Nhiều câu hỏi được đặt ra cho đại diện Bộ Công thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Phóng viên báo Thanh Niên đặt vấn đề: Sau những thương vụ thoái vốn rất thành công cuối năm ngoái và đầu năm nay, điển hình là Vinamilk thì dường  như trong quý II vừa rồi, công tác thoái vốn và cổ phần hóa đang chững lại, không có một thương vụ nào được thực hiện, công tác thoái vốn ở Habeco ban đầu rất hồ hởi nhưng dường như vẫn chưa có thêm tiến triển nào. Vậy nguyên nhân do đâu? Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Việc thoái vốn không được theo kế hoạch và không được như kỳ vọng có mấy nguyên nhân: Thứ nhất là rất nhiều chính sách hiện nay chưa đồng bộ, cho nên khi thực hiện việc thoái vốn, còn có những vướng mắc nhất định.  Thứ hai đó là quan điểm của các cơ quan về một vấn đề nhiều khi cũng còn có những khác nhau. Thứ ba, một số cơ quan, kể cả bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo, đặc biệt là của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Gần đây, trong tất cả các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ cũng như các văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên giao và yêu cầu các bộ, ngành phải thực hiện đúng tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Bộ Công Thương đã phải lập ra một tổ công tác, trực tiếp do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị của Bộ Công Thương, thường xuyên báo cáo cập nhật vấn đề thoái vốn với Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng trực tiếp phụ trách vấn đề thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ: Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất đối với doanh nghiệp này cũng như các doanh nghiệp khác mà ngành công thương đang phải thực hiện, sẽ thực hiện theo chỉ đạo và lộ trình thoái vốn cũng như cổ phần hóa mà Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo đã giao cho chúng tôi.
Vẫn liên quan đến Bộ Công Thương, phóng viên đặt câu hỏi về việc mới đây, Bộ Công Thương có ý định xin rút nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ của Bộ. Vậy tiêu chí như thế nào để rút ra khỏi danh sách này và tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay của Nhà máy thép Việt Trung ra sao?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời: Dự án thép Việt – Trung là 1 trong 12 dự án tồn đọng của ngành Công thương đã giao cho các cấp, các ngành. Cũng đã có ý kiến cao nhất phê duyệt về mặt chủ trương của Bộ Chính trị và giao cho Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo việc xử lý 12 dự án này.
Đối với dự án Việt Trung, đây là dự án với sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp và hết sức cụ thể và sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và Tập đoàn Thép Việt Nam VNSteel. Kết quả có thể nói là tương đối phấn khởi: Trong năm 2017, đã đạt được lãi 411 tỷ. Và 5 tháng đầu năm của 2018 đã đạt được lãi khoảng gần 500 tỷ. Nếu ra khỏi được danh sách các dự án thua lỗ thì ít nhất là cơ hội để doanh nghiệp được nhìn nhận một cách bình thường từ phía các đối tác, ngân hàng, từ đó tiếp cận tốt hơn với bạn hàng và nguồn vốn một cách bình đẳng như các doanh nghiệp bình thường khác.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cũng đã tham gia trả lời trước vấn đề đặt ra về việc dư luận băn khoăn về câu chuyện dự án Sào Khê ở Ninh Bình, tăng 36 lần tổng vốn đầu tư.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết: Quá trình triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án kéo dài thời gian thực hiện thì cũng bị tăng tổng vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân. Đối với dự án này, nguyên nhân là do thay đổi về mục tiêu, nhiệm vụ cũng như quy mô của dự án. Quá trình thực hiện kéo dài rất lâu và trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã có rất nhiều đoàn thanh tra kiểm tra như thanh tra Bộ Tài chính (2005), Thanh tra Chính phủ (2012), Kiểm toán Nhà nước (2017). Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan đầu mối, yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình có báo cáo chi tiết về quá trình triển khai dự án này cũng như quá trình thực hiện. Trên cơ sở báo cáo chi tiết đó, chúng tôi xem xét có cần thiết phải thanh tra, kiểm tra một cách cụ thể, chi tiết hay không để có kiến nghị phù hợp – Thứ trưởng Mạnh cho hay.


Đất công giá rẻ
Về việc một số vụ đất công bán giá rẻ bị phanh phui gần đây và dư luận rất bất bình, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin: Vấn đề đất công bán giá rẻ, bán chỉ định thầu hay không đấu thầu, gây thất thoát là vấn đề Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư rất quan tâm và làm quyết liệt. Với Chính phủ, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo nhiều cuộc giao thanh tra các cơ quan Trung ương yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra xác minh làm rõ các vấn đề liên quan đến dư luận khi có thông tin. Tinh thần phải minh bạch, công khai, thu lại cho Nhà nước lợi ích cao nhất. Ngày 20/4, vừa rồi Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc liên quan đến chính sách, thủ tục đầu tư xây dựng để thúc đẩy giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng tháo gỡ khó khăn.

Trong báo cáo của cơ quan thanh tra cũng nêu rõ trong lĩnh vực này cũng có những thất thoát rất lớn liên quan đến đất công, tài sản công, bán chuyển nhượng với giá rẻ, bán chuyển nhượng theo chỉ định thầu, bán chuyển nhượng theo chỉ thị, đấu giá không công khai, liên quan đến lợi ích nhóm… khiến thất thu cho ngân sách Nhà nước rất lớn.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu thanh tra kiểm tra rà soát thất thoát. Nếu có thì làm rõ để công khai. Từ nay trở đi dứt khoát không còn tình trạng này, dứt khoát phải có đấu giá minh bạch để mọi người được thamgia, người dân được giám sát. Mục tiêu là công khai minh bạch, thu lại để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước cao nhất.
Tại phiên họp báo Chính phủ tháng 5/2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đã thông báo về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 diễn ra cùng ngày.
PV
 

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất