Thứ Tư, 6/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 30/9/2008 22:19'(GMT+7)

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Giải đáp 3 vấn đề lớn

Kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2008 tiến triển khả quan
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những khó khăn nhất định nhưng tình hình kinh tế - xã hội trong nước 9 tháng năm 2008 vẫn đạt những kết quả khả quan.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 9 tháng ước đạt 6,52%. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thị trường và giá cả nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao đạt 48,58 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Nhập siêu được khống chế và giảm dần, mức nhập siêu tháng 9 còn 500 triệu USD, thấp nhất trong 9 tháng qua; dự trữ ngoại tệ tăng lên, cân đối cán cân vãng lai.
Trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, tổng thu tính đến 15/9 đã đạt 90,5% dự toán năm, tăng 45% so cùng kỳ năm trước (đạt 292,3 nghìn tỷ đồng) trong khi tổng chi ước đạt 311,2 nghìn tỷ, bằng 78% dự toán và tăng 30,3% so cùng kỳ cho thấy khả năng cân bằng tốt thu chi tài khóa cả năm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 8 tăng 0,18%, là mức tăng thấp nhất so với nhiều tháng gần đây, trong đó có 2 nhóm hàng chỉ số giá giảm là nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 0,63% và phương tiện đi lại, bưu điện giảm 0,48%. So với tháng 12/2007, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 21,87%.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2008. Trong đó nhấn mạnh một số biện pháp chủ đạo, tiếp tục khẳng định và tập trung ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội để phát triển bền vững; Đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, đồng thời cân đối cung cầu hàng hóa trước mắt và cuối năm, không để thiếu hàng hóa và lương thực; Tăng cường kiểm soát giá cả, chống đầu cơ, tập trung tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước có phương án, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thu mua hàng xuất khẩu, đặc biệt là đối với thủy sản, nông sản, tìm mọi cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến các vấn đề như: an toàn vệ sinh thực phẩm, bão lũ, thiên tai, môi trường... ; đồng thời chú ý đến công tác thông tin tuyên truyền, không để xảy ra tin đồn gây tâm lý hoang mang trong dư luận.
Dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng trên 1 tỷ USD
Liên quan đến tình hình nền tài chính Mỹ đang gặp khủng hoảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định “Nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sự phá sản của những ngân hàng, tổ chức tín dụng ở Mỹ”. Ông Giàu cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay đã tăng trên 1 tỷ USD trong thời gian qua và đều được gửi tập trung (chiếm 82%) ở Ngân hàng trung ương các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các tổ chức tài chính quốc tế như IMF. 18% còn lại gửi tại các ngân hàng thương mại quốc tế có mức độ tín nhiệm AAA hoặc AA.
Trên thị trường tiền tệ, với việc duy trì ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, điều chỉnh tăng tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 3,6%/năm lên 5%/năm thì lãi suất thị trường bắt đầu có xu hướng giảm dần. Lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm từ 1,5-2,5%/năm so với đầu tháng 9, lãi suất huy động VND giảm từ 0,5-2%/năm, USD giảm từ 0,1-1,3%/năm, lãi suất cho vay VND cùng giảm khoảng 1/%/năm so với tháng trước và thấp hơn khoảng 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay tối đa theo quy định của NHNN. Tỷ giá USD/VND đã ổn định trở lại và thị trường chứng khoán vẫn giữ được tính thanh khoản.
Quốc hội nhất trí sẽ tiến hành thí điểm
Về Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã do Bộ Nội vụ chủ trì. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, Đề án có nội dung bao quát, liên quan đến nhiều lĩnh vực nên đòi hỏi phải được chuẩn bị một cách thận trọng, thấu đáo và có những bước đi phù hợp. Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND là nhằm tổ chức hợp lý, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy để đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính. Vấn đề này sẽ được đưa vào chương trình chính thức của kỳ họp Quốc hội tới để xin ý kiến. Nếu Quốc hội nhất trí sẽ tiến hành thí điểm.

(Cổng TTĐT Chính phủ)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất