Việt Nam cũng mong muốn cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc, bảo vệ chính nghĩa và công lý.
Một tháng, 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam bị đâm hỏng
Theo Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu, tính từ ngày 3/5 tới nay, các tàu Trung Quốc đã đâm, va, phun nước gây hư hỏng cho 24 tàu thực thi pháp luật Việt Nam; trong đó có 5 tàu Cảnh sát biển và 19 tàu Kiểm ngư.
Đáng chú ý, cũng trong khoảng thời gian này, 12 kiểm ngư viên của Việt Nam đã bị thương tích trong quá trình thực thi pháp luật trên biển.
Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cũng cho biết thêm, Trung Quốc luôn duy trì một số lượng tàu lớn quanh khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Cao điểm nhất, có ngày xuất hiện tới 137 tàu bảo vệ.
Đặc biệt, qua các thông tin thực địa, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của 6 dạng tàu chiến Trung Quốc như Khu trục tên lửa, hộ vệ tên lửa, tên lửa tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, quét mình và vận tải đổ bộ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên sử dụng nhiều loại máy bay bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ 100-1.000m.
Chỉ tính riêng trong ngày 27/5, trong thời điểm giàn khoan Hải Dương-981 di chuyển lần đầu tiên, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã ghi nhận có tới 9 tàu chiến hoạt động.
Lực lượng các tàu bảo vệ và phục vụ cũng được Trung Quốc duy trì ở mức độ cao, dao động từ 70-80 chiếc. Các tàu cá vỏ sắt vỏ sắt với độ giãn nước 200-400 tấn có số lượng tăng dần từ 15 tới 60 chiếc.
Về phương thức hoạt động, các tàu Trung Quốc được chia làm 3 vòng để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 được hạ đặt trái phép. Cụ thể, vòng trong cách giàn khoan Hải Dương 981 từ 1-1,5 hải lý có 10-15 tàu bảo vệ; vòng giữa cách giàn khoan Hải Dương 981 từ 4,5-5 hải lý được 40-45 tàu bảo vệ. Riêng vòng ngoài cùng cách giàn khoan Hải Dương 981 từ 10-12 hải lý có 25-35 tàu bảo vệ.
“Trung Quốc cũng luôn có 9-12 tàu bám sát các tàu Việt Nam, sẵn sang ngăn cản, đâm va ở khoảng cách 10-12 hải lý so với giàn khoan,” ông Ngô Ngọc Thu nhấn mạnh.
Khi các tàu thực thi pháp luật Việt Nam tiến sâu vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 để tuyên truyền, các tàu Trung Quốc sẽ chặn đầu, khóa đuôi và ép mạn sẵn sàn đâm va, dùng súng bắn nước công suất lớn và hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn hướng vào tàu Việt Nam. Trong khi đó, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thông tin: Chỉ tính từ ngày 7/5 đến nay đã có 12 tàu cá Việt Nam bị các tàu Trung Quốc ngăn trở hoạt động sản xuất bình thường, phá hoại tài sản, đối xử thô bạo.
Các tàu cá của ngư dân Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc truy đuổi, quyết tâm đâm chìm bất chấp việc các tàu này vẫn đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Các tàu Trung Quốc thậm chí còn bắn pháo sáng cảnh báo, ném búa, ốc vào tàu ngư dân, đập phá máy móc, thu giữ trái phép các tài sản và hải sản trên tàu.
Nghiêm trọng nhất là vào ngày 26/5 vừa qua, tàu cá mang số hiệu ĐNa 90152-TS khi đang hoạt động khai thác hải sản cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý thì bị tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm.
“Đáng chú ý là hành động của tàu cá Trung Quốc là rất manh động, thể hiện rõ mục đích là đâm chìm tàu cá Việt Nam khi liên tục bám đuổi, đâm, đẩy tàu cá Việt Nam đến khi lật úp. Ngoài ra, các tàu Trung Quốc còn có hành động ngăn cản các tàu của Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn 10 ngư dân,” ông Lê cho hay.
Ông Hà Lê cũng nhấn mạnh việc lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục các hoạt động thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường và hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển Việt Nam.
Việt Nam kiên trì các biện pháp hòa bình
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng mạnh mẽ lên tiếng phản đối những hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Ông Bình khẳng định, hành động của Trung Quốc trong thời gian qua đã đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải và bỏ qua các mỗi quan tâm cũng như những khuyến nghị chính đáng của các nước trên quốc tế.
Trước những hành động khiêu khích ngày càng leo thang từ phía Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao khẳng định: “Việt Nam nỗ lực trao đổi, đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và ở các cấp khác nhau, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, rút giàn khoan và các tàu hộ tống để hai bên trao đổi ngay các biện pháp ổn định tình hình và kiểm soát các vấn đề trên biển giữa hai nước.”
Theo ông Hải, tới nay, đã có trên 30 cuộc trao đổi các loại. Ngay trên thực địa, các tàu thực thi pháp luật dân sự của Việt Nam luôn hết sức kiềm chế, kiên trì sử dụng các biện pháp tuyên truyền hòa bình.
Mới đây nhất, ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lần thứ 3 trao Công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; rút ngay giàn khoan, tàu và các phương tiện liên quan ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn các hành vi tương tự. Công hàm cũng yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đảm phán hoặc các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
“Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc, bảo vệ chính nghĩa và công lý,” Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Các biện pháp hòa bình cũng được phía Việt Nam tiếp tục duy trì ngay trên thực địa. Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu khẳng định: Các tàu thực thi pháp luật Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế nhưng kiên quyết, kiên trì, thực hiện nghiêm đối sách, chủ động cơ động vòng tránh trước hành động khiêu khích của các tàu Trung Quốc.
Ông Ngô Ngọc Thu nhấn mạnh: “Các tàu thực thi pháp luật dân sự của Việt Nam không phun nước, không đâm va vào các tàu bảo vệ, tàu cá của Trung Quốc mà chỉ phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
”
Trước việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc Việt Nam dùng nhiều tàu, bao gồm tàu vũ trang “quấy nhiễu” Trung Quốc, cũng như việc nước này cho lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc cho rằng Việt Nam “quấy nhiễu” hoạt động quanh giàn khoan Hải Dương-981, ông Hải khẳng định: Đây đều là những hành động xuyên tạc sự thật, bóp méo thực tế."