Cầu Cần Thơ chính thức được nối liền hai bờ, là một cột mốc lịch sử, mở ra triển vọng to lớn để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phát triển.
Sáng 12/10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ hợp long cầu Cần Thơ bắc ngang sông Hậu. Đây là công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, nối liền quốc lộ 1A từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau.
Cầu Cần Thơ được phê duyệt dự án từ năm 1996 và khởi công xây dựng tháng 9/2004 do liên doanh nhà thầu TKN Nhật Bản thi công phần cầu chính. Theo dự kiến cầu Cần Thơ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008. Tuy nhiên sau khi gặp sự cố vào tháng 9/2007, việc thi công cầu Cần Thơ bị gián đoạn gần 1 năm trời mói được khởi động trở lại. Cầu Thơ có tổng chiều dài toàn tuyến là gần 16 km, điểm khởi đầu thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long điểm cuối ở quốc lộ 1A đoạn km 2077 thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Cầu có 3 gói thầu chính, trong đó cầu chính dài gần 3 cây số, trong đó kết cấu dây văng dài hơn 1 km. 2 trụ tháp cao hơn 160 m, với 256 cáp treo. Cầu Cần Thơ có tổng vốn đầu tư là hơn 4.800 tỷ đồng. Một trong những công nghệ quan trọng trong hạng mục cầu Cần Thơ là lao lắp các dầm hộp thép. Theo đó, từ tháng 6 đến ngày 3/10 vừa qua, khối lượng dầm thép gồm 20 đốt đã được hoàn chỉnh cho phép hợp long- nối liền hai bờ.
Theo kế hoạch, cầu Cần Thơ sẽ chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 31/3/2010. Từ nay đến khi hoàn thành, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn chỉnh các hạng mục của cầu chính cũng như đường dẫn của cầu.
Cầu Cần Thơ chính thức được nối liền hai bờ, là một cột mốc lịch sử, mở ra triển vọng to lớn để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phát triển. Ông Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nói: “Việc tổ chức hợp long cầu Cần Thơ có ý nghĩa to lớn. Khẳng định quyết tâm của chúng ta trong việc khắc phục những khó khăn vừa qua. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, kỹ sư trên công trình”./.
VOVNews