Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 15/6/2014 21:30'(GMT+7)

Hộp sữa và trách nhiệm của doanh nghiệp

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Ngay sau khi Bộ Tài chính áp dụng giá trần, giá của một số mặt hàng sữa trên thị trường đã giảm từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/hộp, thậm chí còn thấp hơn cả mức giá trần. Như vậy, có thể thấy rõ rằng, lâu nay nhiều doanh nghiệp đã tăng giá sữa một cách bất hợp lý. Họ đã “ăn” lợi nhuận quá dày, chi quá bạo cho khâu quảng cáo, tiếp thị, chi hoa hồng quá nhiều cho các đại lý. Trong khi đó, các gia đình nuôi con nhỏ thì vã mồ hôi, gắng sức theo đà tăng của giá sữa để mong có đủ chất dinh dưỡng cho con.

Đang có nhiều lo ngại rằng, có thể tới đây các doanh nghiệp sẽ dùng các chiêu mới như thay đổi bao bì, thay đổi trọng lượng, thay đổi công thức… để lách trần giá sữa. Những khả năng trên hoàn toàn có thể xảy ra, bởi đã có dấu hiệu một vài sản phẩm sữa được thay thế trọng lượng từ 900g/hộp xuống còn 850g/hộp. Thậm chí doanh nghiệp còn có thể điều chỉnh cả tỷ lệ độ ẩm của sữa để tăng thêm lợi nhuận. ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Tài chính trấn an dư luận rằng: “Bộ Tài chính đã ra quy định, bất kỳ nhãn sữa mới nào đều phải làm thủ tục đăng ký giá theo quy định. Sau 5 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, Bộ sẽ công bố mức giá trần mới cho sản phẩm đó. Còn nếu thay đổi trọng lượng, doanh nghiệp phải tính lại giá theo đúng trọng lượng mới…”. Điều này chứng tỏ Bộ Tài chính cũng đã đề phòng khả năng “lách” của doanh nghiệp. Nhưng có thể, doanh nghiệp cũng không thiếu phương án để đối phó với quy định trên của cơ quan quản lý.

Tôi bỗng nhớ tới cảnh quảng cáo rất xúc động của một thương hiệu sữa trên truyền hình. Trong quảng cáo ấy, những em bé ở vùng cao cười rạng rỡ cầm ly sữa trắng ngọt ngào trên tay. Đã có những lời kêu gọi người tiêu dùng mua sữa để lợi nhuận được trích nhằm mang sữa đến cho trẻ em nghèo, trẻ em là người dân tộc thiểu số… Những ý tưởng ấy thật đáng quý lắm thay.

Người Việt Nam ta vốn có sức vóc nhỏ hơn, yếu hơn so với người dân ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Vì thế, trong các cuộc tranh tài thể thao, vận động viên Việt Nam thường đuối sức vì thể lực kém. Nhân công ở các nước phát triển có sức làm việc dẻo dai hơn chúng ta. Họ được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Có lẽ vì thế, sức làm việc, sức sản xuất của nền kinh tế các quốc gia ấy cũng mạnh hơn nước ta.

Câu chuyện hộp sữa hôm nay không chỉ là câu chuyện giữa các doanh nghiệp sữa và các gia đình có con nhỏ. Mà đó là câu chuyện về tiềm lực con người trong cuộc đua ở thế kỷ 21 này-là câu chuyện về  tiếp tục hoàn thiện, phát triển giống nòi người Việt Nam chúng ta.

Bởi vậy, các doanh nghiệp sữa cần thấy trách nhiệm của mình trong đó. Thời gian qua, chúng ta thấy rất nhiều doanh nghiệp đã dành lợi nhuận của mình để làm từ thiện, công tác xã hội, đầu tư hạ tầng giúp các địa phương nghèo… Những cử chỉ thiện nguyện ấy có sức lan tỏa và xây dựng được hình ảnh rất đẹp cho các doanh nghiệp.

Xin hãy dành những cơ hội tốt nhất cho trẻ nhỏ. Đó cũng chính là đầu tư cho tương lai của mỗi chúng ta và Tổ quốc Việt Nam.

Hồ Quang Phương (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất