Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 27/5/2017 14:36'(GMT+7)

Hợp tác giáo dục Việt Nam-EU: Trang bị kỹ năng "mềm" ​cho sinh viên

Đại biểu tham dựhội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Đại biểu tham dựhội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Voyage, được Quỹ học bổng của Liên minh châu Âu (EU) Erasmus+ tài trợ, với mục đích tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên Việt Nam giai đoạn 2015 - 2018.

Tham gia hội thảo vào ngày 22/5 có đại diện một số cơ sở đào tạo đại học Việt Nam thụ hưởng dự án như Đại học Hà Nội, Đại học Sư phạm Nhạc họa Trung Ương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và đông đảo đối tác Italy.

Trước những biến động của thị trường lao động, với yêu cầu và sự cạnh tranh càng cao, thực tế cho thấy, đa phần cử nhân đại học tại Việt Nam cho dù có kết quả học tập rất cao nhưng vẫn rất bỡ ngỡ và chưa đáp ứng được yêu cầu cụ thể của các doanh nghiệp tuyển dụng trong cũng như ngoài nước.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã tập trung nêu ý kiến về thực trạng, giải pháp để tháo gỡ vấn đề này. Theo giảng viên Phạm Ngọc Thạch, đại diện Đại học Hà Nội, nguyên nhân của vấn đề không nằm ở sự thiếu hụt kiến thức mà chính là nằm ở "kỹ năng mềm" và những phương pháp tiếp cận, giải quyết công việc của sinh viên chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà tuyển dụng.

Đến từ Phòng Thương mại vùng Catalonia, Tây Ban Nha, ông Narcis Bosch nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các cơ sở giáo dục đào tạo phải nắm được xu hướng các tiêu chí tuyển dụng lao động để có sự điều chỉnh trong chương trình, phương pháp đào tạo, chuẩn bị cho sinh viên.

Chuyên viên của tổ chức giáo dục Almalaurea, đầu mối chủ trì dự án, bà Silvia Galeazzi cho rằng tiềm năng phát triển hợp tác giáo dục, trao đổi sinh viên giữa Italy và Việt Nam rất hứa hẹn nhưng phát triển chưa tương xứng; số lượng sinh viên Việt Nam đến Italy còn rất hạn chế so với một số quốc gia khác trong khu vực.

Trong xu thế quan hệ chính trị, kinh tế, đầu tư tốt đẹp giữa hai nước hiện nay, sinh viên Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tiếp cận với các nhà tuyển dụng Italy. Trong năm 2016, Bộ Ngoại giao Italy cũng đã cấp một số học bổng tài năng cho sinh viên Việt Nam đến học tập tại Italy.

Hội thảo không chỉ thu hút sự quan tâm chú ý của các cơ sở giáo dục mà còn từ cả phía đại diện một số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy, có nhu cầu tuyển dụng lao động cho các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Dự án Voyage được xây dựng với 3 mục đích chủ yếu là kết nối sinh viên với khối doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo thêm các cơ hội tiếp cận thị trường lao động tại Việt Nam và châu Âu cho sinh viên Việt Nam; điều tra nghiên cứu mức độ tương thích giữa các chương trình giảng dạy tại các trường đại học và thị trường lao động và trên cở sở đó tiến hành cải cách trong chương trình giáo dục./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất