(TG) - Ngày 27/1, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 218/ BYT-QĐ Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.
Hai nhóm xác định cấp độ dịch
Theo đó, với tiêu chí 1 bao gồm tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian, thay thế cho tiêu chí cũ chỉ có tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian.
Tiêu chí 2 về độ bao phủ vaccine và tiêu chí 3 về đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến vẫn giữ nguyên.
Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.
Trên cơ sở tham khảo các phương pháp đánh giá của các nước trên thế giới và đánh giá thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế hướng dẫn cách xác định các tiêu chí cụ thể như sau:
Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.
Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Tỷ lệ ca mắc mới được phân theo 04 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức 3: 450 đến 600; mức 4: >600).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người. Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy được phân theo 04 mức độ (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: >40).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy do Trung tâm Y tế cấp huyện tính toán và phân bố đến từng địa bàn cấp xã.
Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Yêu cầu chỉ số này không được vượt quá 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã. Chỉ số này là hệ quả của tổng hợp mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, đồng thời đây là mục tiêu cần phải khống chế bằng được; do đó chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã.
Hướng dẫn cũng nêu rõ cách xác địnhcấp độ dịch, theo đó cấp độ đáp ứng dịch tại tuyến xã được xác định bằng cách tổng hợp từ kết quả về mức độ lây nhiễm và mức độ đáp ứng của địa bàn cấp xã, thực hiện theo 3 bước gồm:
Bước 1: Xác định Mức độ lây nhiễm (4 mức). Trong đó, mức độ 4 có tỷ lệ ca mắc mới trên 600 ca, tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy là trên 40 ca.
Bước 2: Xác định khả năng đáp ứng.
Bước 3: Xác định cấp độ dịch. Việc xác định cấp độ dịch dựa trên tổng hợp kết quả đánh giá Mức độ lây nhiễm (gồm 4 mức: 1, 2, 3, 4) và Khả năng đáp ứng (gồm 3 mức: Cao, trung bình, thấp), sau đó có thể được hiệu chỉnh bởi tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn…
Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine phòng COVID-19
Chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên điạ bàn. Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm đánh giá. Chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.
Chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định tiêm chủng) trong số đối tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã. Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi ở người thuộc nhóm nguy cơ cao phải đạt tối thiểu 90% số đối tượng phải tiêm chủng tại thời điểm đánh giá.
Chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.
Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chỉ số tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: > 500; trung bình: 200-500; thấp: <200).
Chỉ số tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện/100.000 dân tại thời điểm đánh giá. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: > 30; trung bình: 10- 30, thấp: < 10). Chỉ số này do Trung tâm Y tế cấp huyện xác định sau đó được dùng chung cho tất cả các xã trên địa bàn thuộc huyện.
Chỉ số tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân. Yêu cầu tỷ lệ giường ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ trên địa bàn cấp tỉnh phải đạt tối thiểu 4/100.000 dân.
Nâng cao năng lực thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân
Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chuẩn bị xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn.
Cùng với đó tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19: Đánh giá năng lực quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 (F0) tại các tuyến xã; bảo đảm đáp ứng về giường bệnh COVID-19 tại cơ sở thu dung, điều trị cấp huyện và giường hồi sức cấp cứu (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ tại tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đảm bảo đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ cao nhất. Cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0.
Đồng thời thực hiện đánh giá, phân loại bệnh nhân tại tất cả các tuyến, nhất là từ tuyến xã để triển khai quản lý, chăm sóc F0 tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế phù hợp; không để tình trạng chuyển tầng, chuyển tuyến không đúng chỉ định nhằm giảm quá tải tuyến trên.
Có kế hoạch bảo đảm khi có dịch xảy ra: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà; địa bàn có dịch bệnh cấp 3 trở lên phải có phương án mở rộng năng lực thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 không để quá tải diện rộng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị COVID-19. Bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao năng lực thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân các tuyến nhất là tuyến cơ sở. Tập huấn và thực hiện phân loại, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp của Bộ Y tế tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động.
Các địa phương tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe. Đảm bảo không bỏ sót việc cung cấp ô xy y tế, chuyển tuyến kịp thời cho người thuộc nhóm nguy cơ tăng nặng, tử vong, người khó tiếp cận khi theo dõi tại nhà. Xây dựng hệ thống chuyển tuyến đảm bảo sự tiếp cận của mọi người dân. Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn.
Việc xét nghiệm được thực hiện bằng một phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác nhau để phát hiện SARS-CoV-2; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan quản lý đơn vị, địa bàn tự tổ chức xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao, cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân khi di chuyển trong nước.
Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 và thực hiện tiêm đủ mũi phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Rà soát, lập danh sách các đối tượng nguy cơ, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho tất cả các đối tượng này. Trong công tác điều trị F0, cần thực hiện theo các hướng dẫn phân tuyến, phân tầng của Bộ Y tế.
Đối với việc tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời tại các địa bàn có dịch cấp độ 2, 3, 4: Các địa phương quyết định tăng số lượng người tham gia hoặc công suất hoạt động trong trường hợp 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính.
TG