Năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; cũng là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, năm Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
- Giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức được bối cảnh trong nước và thế giới; nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tạo sự đồng thuận nhất chí cao về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
- Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu đúng thực chất các sự kiện hội nhập quốc tế, tính cấp bách của việc đẩy mạnh chuẩn bị trong nước cho hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tạo sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những thành tựu phát triển của đất nước trong năm 2015; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước; Cổ vũ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phát huy nội lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
- Công tác tuyên truyền kinh tế - xã hội cần triển khai tích cực với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, nhà nước, sự tham gia của các cấp, các ngành; kết hợp lồng ghép với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước theo tinh thần đổi mới, thiết thực, hiệu quả.
II. Nội dung tuyên truyền
1. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015: Khẳng định bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2015 có những biến chuyển tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, nổi bật là: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát khoảng 2% thấp nhất trong 15 năm qua. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế đạt 6,68% vượt kế hoạch đề ra. Việc triển khai, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực bước đầu. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%...
2. Phân tích bối cảnh tình hình trong nước và thế giới năm 2016, chỉ rõ cơ hội, thách thức và dự báo tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, đáng chú ý là những tác động sau:
Tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ gia tăng và quyết liệt. Xung đột vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục và có xu hướng gia tăng. Khu vực đồng Euro kinh tế phục hồi chậm; khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc theo nhiều dự báo tăng trưởng chậm lại. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn biến gay gắt phức tạp.
Trong nước có nhiều thuận lợi từ thành tựu đạt được năm 2015 và thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ mở ra cơ hội và không gian phát triển rộng lớn hơn, nhưng thách thức cũng sẽ lớn hơn nhất là cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngay cả trên thị trường trong nước.
3. Tuyên truyền về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Mục tiêu tổng quát: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Một số chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 24,5 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.
Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (đã nêu trong Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XI, Nghị quyết số 98/2015/QH13 ngày 10/11/2015 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/1/2016 của Chính phủ) tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan tâm sửa đổi bổ sung, ban hành mới các luật, pháp lệnh triển khai Hiến pháp năm 2013.
- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định pháp luật về Ngân sách Nhà nước. Tăng cường quản lý, chống thất thu, nợ đọng thuế.
- Tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành chất lượng các chương trình, dự án, công trình trọng điểm. Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đáp ứng yêu cầu đổi mới, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
- Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đổi mới giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm.
- Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
- Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế.
4. Tuyên truyền về việc Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN; về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã và sắp ký kết: Việt Nam và Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Những lợi ích mà FTA mang lại cho Việt Nam cũng như những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt…
5. Đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước. Phát hiện, cổ vũ nhân tố mới và điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
6. Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tình hình kinh tế - xã hội nước ta, xuyên tạc quan điểm, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
III. Tổ chức thực hiện
1. Ban Tuyên giáo Trung ương:
- Ban hành Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016.
- Biên soạn tài liệu tuyên truyền về việc Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN, về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số tài liệu tuyền truyền về hội nhập quốc tế.
- Chỉ đạo và định hướng tuyên truyền trên báo chí tại các cuộc giao ban báo chí hằng tuần.
- Tổ chức khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.
2. Ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội:
- Tham mưu cho các cấp uỷ chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016; tổ chức và tham gia các cuộc thi tìm hiểu về các bộ luật về lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo hiểm xã hội…
- Nắm bắt diễn biến và định hướng tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; chủ động dự báo những vấn đề tư tưởng nảy sinh trước những tác động của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế.
- Tăng cường hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho cán bộ tuyên truyền, phóng viên về công tác tuyên truyền kinh tế - xã hội.
- Đăng tin bài định hướng trên bản tin sinh hoạt chi bộ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước biên soạn, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền ở địa phương, đơn vị.
- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Xây dựng kế hoạch phối hợp năm 2016.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp tài liệu tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho các cơ quan thông tấn, báo chí…
- Chủ trì tổ chức tổng hợp cơ sở dữ liệu, xây dựng trung tâm thông tin tra cứu trực tuyến về các sự kiện hội nhập quốc tế.
- Chủ trì theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về việc thông tin, tuyên truyền các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật của Việt Nam 2016.
4. Bộ Ngoại giao:
- Hướng dẫn các cơ quan ngoại giao và phóng viên báo chí nước ngoài đưa tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tham gia hội nhập quốc tế của Việt Nam; biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin về các sự kiện đối ngoại lớn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: chỉ đạo hướng dẫn tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch, triển lãm, cổ động trực quan… góp phần quảng bá du lịch, thu hút đầu tư phát triển đất nước.
6. Các bộ, ngành Trung ương, nhất là bộ, ngành thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế…
- Chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền; định hướng dư luận xã hội và báo chí về các chương trình, dự án, sự kiện liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; tổ chức các cuộc hội thảo, họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, về phong trào xây dựng nông thôn mới, về “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
7. Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương:
- Nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, tin, bài phản ánh tình hình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và khí thế thi đua lao động, sản xuất của các cấp, các ngành, các địa phương.
- Phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
- Cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
- Chủ động trong thông tin, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, doanh nghiệp, người tiêu dùng và góp phần định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trước các tình huống kinh tế - xã hội phức tạp, nhạy cảm.
8. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân:
- Tuyên truyền, vận động phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Tích cực thực hiện và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của cả nước, ngành, địa phương, cơ sở.
TG