Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (FCBDM) APEC 2017 diễn ra ngày 20/10 tại Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đưa ra những đánh giá xung quanh 4 chủ đề sáng kiến trong Tiến trình Hợp tác tài chính APEC năm 2017 mà Việt Nam đề xuất.
- Xin Thứ trưởng cho biết một số nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị Thứ trưởng, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) hôm nay?
Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Các Thứ trưởng, Phó Thống đốc NHTW của các nền kinh tế APEC đã trao đổi về 4 chủ đề sáng kiến mà Việt Nam đưa ra cho cả tiến trình hợp tác tài chính năm 2017. Đó là tài chính dài hạn cho cơ sở hạ tầng, bảo hiểm rủi ro cho thiên tai, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận và tài chính bao trùm. Trước đó, Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các nền kinh tế cũng như các tổ chức quốc tế, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo về 4 chủ đề này. Các đại biểu đánh giá rất cao sáng kiến của Việt Nam trong việc lựa chọn các chủ đề ưu tiên hợp tác. Đây là những nội dung có tính chất rất quan trọng, không những ở tầm của mỗi một nền kinh tế mà của cả khu vực.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá rất cao Việt Nam trong quá trình chuẩn bị các nội dung cũng như các chính sách, khuyến nghị để tiếp tục triển khai các chủ đề hợp tác này trong thời gian tới.
- Thưa Thứ trưởng, chủ đề tài chính bao trùm sẽ có tác động như thế nào với Việt Nam trong việc phát triển thị trường tài chính cũng như thị trường tín dụng?
Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Tài chính bao trùm là một vấn đề rất rộng, mà đối tượng hướng tới bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình và các tầng lớp dân cư. Hội nghị cũng hướng tới khu vực nông nghiệp nông thôn, các khu vực ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Các đại biểu tham dự đã đánh giá cao về các công cụ tài chính để cung cấp các sản phẩm tài chính, dịch vụ tài chính cho các đối tượng này, mà trong đó vấn đề tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô, thanh toán ngân hàng... là những nội dung trọng tâm được thảo luận. Nội dung thứ ba liên quan đến chủ đề tài chính bao trùm là hướng tới mục tiêu giúp cho các đối tượng tiếp cận nguồn lực tài chính, dịch vụ tài chính, nhưng phải đảm bảo phát triển theo hướng thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, phân phối sản phẩm… để đạt hiệu quả cao nhất cho kinh tế xã hội. Cuối cùng, hội nghị xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục, không những cho các định chế tài chính mà còn cho toàn thể các tầng lớp dân cư để họ hiểu được các nội dung của tài chính bao trùm và có khả năng tiếp cận nguồn lực này.
- Về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, thì qua hội nghị lần này, Việt Nam có học hỏi những kinh nghiệm gì về chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước với tư nhân để huy động nguồn vốn dài hạn cho cơ sở hạ tầng?
Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Đầu tư cơ sở hạ tầng là chủ đề được các nền kinh tế rất quan tâm. Các đại biểu từ các nền kinh tế đã nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển cơ sở hạ tầng theo tinh thần chất lượng cao và bền vững. Đồng thời, phải đa dạng hoá nguồn lực để đảm bảo nhu cầu tài chính dài hạn cho cơ sở hạ tầng?
Bên cạnh việc quản lý nguồn lực của nhà nước (tài chính công) một cách có hiệu quả, phân bổ một cách hợp lý, thì vấn đề phát huy nguồn lực của khu vực tư nhân, đặc biệt là các quỹ đầu tư, bảo hiểm... đối với tài chính dài hạn cho cơ sở hạ tầng cũng là 1 nội dung rất quan trọng.
Ngoài ra, hội nghị đã thảo luận về xác định rủi ro, giải pháp để chia sẻ, phòng ngừa rủi ro giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, trên tinh thần đảm bảo các dự án phải có hiệu quả, hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng cơ sở hạ tầng này.
- Về xói mòn thuế, dịch chuyển lợi nhuận, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm gì, cũng như thoả thuận hợp tác như thế nào để chống lại tình trạng trốn tránh thuế, chuyển giá?
Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Hội nghị nhất trí cao về tầm quan trọng của xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Vấn đề này giờ đây không còn là của riêng nền kinh tế nào mà đã nâng lên thành vấn đề của khu vực và toàn cầu. Kể cả Hội nghị G20 đã đưa ra các chương trình hành động, chính sách, giải pháp để thực hiện chủ đề này.
Trong khuôn khổ hợp tác trong APEC, các nền kinh tế cũng đánh giá rất cao về vai trò của Việt Nam trong việc đưa ra chủ đề sáng kiến về chống xói mòn thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Các Thứ trưởng, Phó thống đốc đã đưa ra những giải pháp trong vấn đề triển khai thực hiện. Một là, phải có khung khổ chính sách khá toàn diện. Theo đó, phải thực hiện các tiêu chuẩn về tối thiểu, trong vấn đề chống xói mòn thuế cũng như chuyển dịch lợi nhuận. Ví dụ như vấn đề về các luật lệ, chính sách thuế, cũng như quản trị thuế. Hai là, chống lợi dụng trong việc áp dụng các Hiệp định về thuế. Ba là, chuẩn hoá quy định về tranh chấp trong lĩnh vực về thuế. Bốn là, thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý thuế một cách hài hoá. Khuyến nghị các nền kinh tế khi xây dựng chính sách thuế phải xem xét đến việc tiếp cận các thông lệ chung về thuế quốc tế. Xem các nền kinh tế thực hiện các chính sách thuế và thực thi thuế thế nào, để chúng ta xây dựng chính sách phù hợp.
Chủ đề này thực sự là cơ sở để phát triển, tạo ra sự bền vững trong thu thuế nội địa. Xem xét, rà soát lại những chính sách miễn giảm, ưu đãi về thuế cho các dự án đầu tư, để chúng ta có chính sách thuế bền vững, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và minh bạch.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.
TG