(TG)-Sau hơn 30 năm đổi mới, diện mạo của kinh tế nước ta đã có nhiều thay đổi, tốc độ tăng trưởng cao, đời sống người dân được cải thiện. Đáng chú ý, năm 2018, nền kinh tế đã đạt được những thành tựu ấn tượng, GDP đạt 6,81% và 13 chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, là cơ sở quan trọng để bảo đảm tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước rất nhiều thách thức. Đó là GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao; nguy cơ mắc “bẫy” thu nhập trung bình và tụt hậu kinh tế vẫn tiềm ẩn; bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng ngày càng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động biến đổi khí hậu; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), hội nhập kinh tế đang đặt ra nhiều thách thức.
Trong giai đoạn hiện nay, tăng trưởng đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội sẽ là trụ cột chính của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm xây dựng một đất nước phát triển, hiện đại. Có thể khẳng định, phát triển bền vững đang là mục tiêu bao trùm của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số biện pháp trọng tâm để thực hiện tăng trưởng đi đôi với bền vững môi trường trên nền tảng CMCN 4.0. Theo đó, tiếp tục tập trung tạo dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo; phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị; bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội; phát triển bền vững về môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Ở nước ta hiện nay, dù đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng và đồng đều, nhiều người dân thoát khỏi đói nghèo, nhưng cũng còn không ít người bị quay trở lại cảnh nghèo đói sau những “cú sốc” về thiên tai. Do đó, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 ngày một lan tỏa mạnh mẽ, Việt Nam cần tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động có kỹ năng cao, giải phóng cho người lao động không có kỹ năng cần thiết bằng cách ưu tiên đào tạo nghề; đồng thời, bảo vệ sinh kế của người dân bằng cách nâng cao thu nhập, thay đổi cách tiếp cận với bảo hiểm xã hội, nhất là với những lao động phi chính thức, tại những vùng khó khăn.
Một vấn đề quan trọng khác, nếu đội ngũ nhân lực không được trang bị kỹ năng tốt sẽ không thể tiếp cận với tri thức và theo kịp những tiến bộ về khoa học công nghệ. Trong khi đó, phải nhìn nhận thực tế là nền giáo dục của nước ta vẫn còn không ít bất cập, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, việc trang bị đủ các kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên, đội ngũ lao động trước môi trường công nghệ số hóa còn yếu và thiếu... Vì vậy, để tạo được đội ngũ lao động lành nghề, có kỹ năng sau này, Việt Nam cần tập trung hơn nữa cho giáo dục, nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến mọi mặt của nền kinh tế.
TG