Sáng 19/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong phiên họp tổ ngày 11/11, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nhiều ý kiến đánh giá việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khắc phục những khó khăn bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, áp dụng luật và Điều ước quốc tế; lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP; Hội đồng thẩm định dự án PPP; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư; thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng; nguồn vốn thực hiện dự án PPP; bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng; cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu; trình tự thực hiện dự án PPP; các loại hợp đồng PPP; cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP...
Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về hai dự án Luật.
Việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần hàn gắn những mâu thuẫn rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 29 điều, bao gồm các quy định chung; hòa giải viên; trình tự thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải. Trong đó, một số vấn đề cần xin ý kiến, như: kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án; thời hạn hòa giải, đối thoại; người đại diện hợp pháp của các bên hòa giải, đối thoại; việc hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Luật sửa đổi liên quan tới 22 điều; bổ sung mới 03 điều một số quy định của Luật năm 2012 về căn cứ trưng cầu giám định; cách thức trưng cầu và “phân tuyến” thực hiện giám định trong trường hợp vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; thẩm quyền trưng cầu và thực hiện giám định; thời hạn giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản đối với hoạt động giám định tư pháp; việc áp dụng quy định của Luật trong thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra./.
Theo TTXVN